CHƯƠNG IV: Liên hợp kỹ nghệ hôn nhân

Lúc ấy những buổi tư vấn hôn nhân đều không giúp ích được gì. Nhiều năm sau lầm lỗi của Hank, Angela vẫn không thể vượt qua nỗi đau và mong rằng “Chúa hãy ban cho một ai đó hiểu được lòng tôi”. Sau đó cô lên mạng tìm kiếm về “vấn đề ngoại tình” thì bắt gặp trang web của Peggy Vaughan, cô cho biết, “Tôi như tìm được lối thoát từ lúc tìm thấy trang web của Peggy”. Cô lắng nghe 90 phút tư vấn hôn nhân qua điện thoại từ Vaughan và đặt mua tất cả các cuốn sách của bà. Tâm lý của Angela bắt đầu được hồi phục từ ngày ấy.

Peggy Vaughan là một phụ nữ 69 tuổi đã lên chức bà, hiện sống ở San Diego. Bà đã dành cả đời mình cho sự nghiệp phục hồi tâm lý những nạn nhân của ngoại tình. Thật khó tưởng tượng ra rằng một tuýp người làm việc không ngơi nghỉ để mang lại những cải cách không tưởng này lại xuất hiện ở nước Mỹ. Hầu hết các buổi sáng, cứ đúng 6 giờ là bà thức dậy trả lời email từ các bang thuộc miền Đông duyên hải nước Mỹ (East Coast), thường là những lời tâm thư tuyệt vọng từ những người đang ở trong giai đoạn đầu hồi phục sau biến cố ngoại tình.

Thật ra Vaughan chẳng hề qua trường lớp trị liệu gì cả, những gì bà nói đều rút ra từ kinh nghiệm của bản thân mà thôi. Vào năm 1974, James – chồng bà thú nhận từng qua lại với những người phụ nữ khác suốt bảy năm trời. Bà kể lại bằng giọng nói lè nhè của người miền Nam nóng nảy: “Lúc đầu tôi không thể tin chuyện ấy là sự thật, vì nếu vậy, hẳn tôi phải ly dị ông ta và trở về sống với cha mẹ ở Mississippi rồi.” Nhưng rốt cuộc, vợ chồng nhà Vaughan đã ở lại và trở thành người dẫn đường cho những nạn nhân của ngoại tình. Họ cùng nhau phát hành một quyển sách vào năm 1980, trong đó quả quyết rằng chuyện vụng trộm không phải là bản án tử hình cho hôn nhân. Sau hàng trăm lần xuất hiện trên truyền hình, Vaughan phát hành những bản tin định kì về chuyện ngoại tình, rốt cuộc đã hình thành Mạng lưới Vượt qua Những chuyện ngoại tình (Beyond Affairs Network), hay chính xác hơn là một nhóm hỗ trợ cho những người bị cắm sừng và chương trình có chi nhánh ở khắp 28 tiểu bang. Vaughan cho rằng những cặp vợ chồng cần phải dành “hàng ngàn giờ đồng hồ” để thảo luận về mối quan hệ vụng trộm đã xảy ra. Bà giúp Angela hiểu được rằng chồng cô bị mắc chứng bệnh khát khao cảm xúc. “Nó là một hành động tự yêu bản thân mình quá đáng. Một hành động nhằm tự thỏa mãn. Đại loại giống như một loại thuốc phiện vậy,” Angela nói.

Vaughan tin rằng tệ nạn ngoại tình đã lan tràn khắp nước Mỹ. Bà dẫn chứng lại các thống kê về mức độ ngoại tình của Kinsey và cho rằng 80% con người sống trong hôn nhân đã từng ngoại tình, con số này cao gấp đôi so với những con số thống kê khoa học đáng tin cậy khác. Mặt khác, bà cho rằng tạp chí và phim ảnh đã tán dương chuyện lăng nhăng của những người nổi tiếng, góp phần làm ngoại tình trở thành chuyện nhỏ. Nhưng một khi chuyện này xảy ra với chính bản thân họ thì người Mỹ sẽ rất hổ thẹn khi thừa nhận rằng mình bị cắm sừng, trở nên phiền muộn và tự cô lập mình hơn.

Peggy lúc này trở thành tia sáng dẫn đường cho những linh hồn lạc lối. Trong một buổi thuyết giảng tại Dallas, bà đọc một dòng nhỏ trong những tấm thiệp chúc mừng nhằm chỉ trích những người vụng trộm là “đồ bẩn thỉu” và vì vậy không ai nên đùa giỡn với quan hệ bắt cá hai tay này. Câu chuyện về những tấm thiệp được đăng tải trên một tờ báo ở Bethesda và được truyền bá rộng rãi qua Internet giữa những lời bào chữa gây sốc cho hôn nhân. Còn tờ báo thì phát hành ngay một câu chuyện trích dẫn lại từ những phản hồi tiêu cực của độc giả. Nhưng thật ra những tấm thiệp này không thực sự tán tụng cho việc ngoại tình. Một tấm dành gửi vào những dịp nghỉ lễ có dòng “Khi đang quây quần cùng gia đình, anh sẽ nghĩ về em.” Một tấm khác dành gửi cho bạn đồng nghiệp viết “Em từng luôn trông ngóng đến những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng từ khi gặp anh, những ngày cuối tuần lại cứ như dài đằng đẵng.”

***

VÀO NĂM 1970 ở Mỹ chỉ có khoảng 3.000 nhà tư vấn hôn nhân gia đình. Hầu hết các nhà tâm lý học và các chuyên gia tâm thần học đều cho rằng việc đi sâu vào thế giới tâm linh rất nhạy cảm và không thể áp dụng trên cả hai người cùng một lúc. Nhưng sự hình thành của liên hợp kỹ nghệ hôn nhân lại là tiền đề xoay quanh ý kiến cho rằng vợ chồng không phải là hai cá thể tâm hồn riêng biệt mà chính là một “hệ thống chung nhất” với lịch sử và động lực riêng biệt. “Mối quan hệ” nhanh chóng trở thành một chủ thể độc lập mà các nhà khoa học có thể nghiên cứu. Lý thuyết về những hệ thống này giả định rằng trong khi một người trong hai vợ chồng ngoại tình thì người kia cũng đóng một vai trò tác động. Những nhà trị liệu bắt đầu xem xét về động lực của những cặp vợ chồng để tìm nguyên nhân và tìm hiểu về thời thơ ấu của họ nhằm phát hiện ra những mâu thuẫn tồn đọng để giải thích việc lăng nhăng của họ.

Trong lúc ấy, tỉ lệ li dị tăng lên rồi nhảy vọt vào năm 1979 và chính thức đưa những vấn đề trong quan hệ vợ chồng thành mối lo của cả nước. Con số các nhà tư vấn hôn nhân gia đình tăng lên đến khoảng 20.000 vào năm 1987, và một thập kỉ sau thì tăng lên gấp đôi.

Khái niệm xem “chuyện ngoại tình là một triệu chứng” bắt đầu xâm nhập vào hầu hết trí tưởng tượng thông thường của người Mỹ. Vào năm 1989, trong phim Khi Harry gặp Sally , Harry tâm sự với người bạn bạn thân nhất tên Jess của mình rằng vợ anh vừa cuốn gói theo một gã nhân viên thuế:

JESS: Hôn nhân không tan vỡ chỉ vì chuyện ngoại tình đâu. Nó chỉ là một triệu chứng cho điều gì đó không ổn đang xảy ra thôi.

HARRY: Thật đấy à? “Triệu chứng” ở đây là hắn ngủ với vợ tôi đấy.

***

Đến những năm 90, các chuyên gia vẫn không ngừng hoàn thiện quan điểm của mình về những nguyên nhân gây nên sự đổ vỡ trong quan hệ. Deborah Tannen, tác giả của quyển sách bán chạy tựa đề Chỉ vì bạn không hiểu , tranh luận với John Gray, tác giả quyển Đàn ông sao Hỏa – đàn bà sao Kim, rằng đàn ông và phụ nữ lạc lối vì sự khác nhau trong cách giao tiếp chứ không phải vì gánh nặng tinh thần. Một số nhà trị liệu còn đổ mọi trách nhiệm lên người phạm vào chuyện ngoại tình cho dù người này có thể quay lại đổ lỗi cho cha mẹ mình.

Sau đó, vụ bê bối giữa Clinton và Lewinsky năm 1998 đã đẩy các chuyên gia về ngoại tình – kể cả những người còn non kinh nghiệm – vào thời gian hoạt động cao điểm. Đến mức nhà tâm lý học Don-David Lusterman, tác giả của cuốn Bí kíp vượt qua sự đau khổ của ngoại tình , phát biểu trên tờ New York Times rằng: “Khi tôi vào nghề cách đây 20 năm, còn chưa có ai nhắc đến cụm từ ngoại tình trong những cuốn sách về liệu pháp gia đình cả.”

Rốt cuộc phải cám ơn những cuộc điều tra toàn quốc mới về ngoại tình đã cho ra những số liệu xác thực. Các nhà khoa học lập ra các phương trình nhằm dự đoán “nhân tố lý trí” sẽ có nảh hưởng tới “tổng lợi ích” của chuyện ngoại tình ra sao và đo lường tầm quan trọng của sự việc như mức độ con người thường nghĩ đến tình dục và chuyện này làm họ cảm thấy có lỗi đến mức nào. Theo thống kê thì 98% nam giới và 78% nữ giới thường tơ tưởng đến người khác giới ngoài vợ hay chồng mình, còn những người ngày nào cũng nghĩ về chuyện tình dục sẽ có tỉ lệ vụng trộm cao hơn 22% so với những người chỉ nghĩ đến chuyện đó vài lần trong tuần. Họ còn điều tra được rằng những người thích ở bên cạnh bạn đời của mình sẽ có tỉ lệ ngoại tình thấp hơn 24% so với số còn lại.

Các nhà tâm lý học kết luận qua các giai thoại rằng vào những năm 90, từ “nhàm chán” đồng nghĩa với từ “lãnh cảm” dùng trong những năm 50. Vào thời đó, các ông chồng không tằng tịu với những cô thư ký trẻ đẹp mà lại thường lăng nhăng với các bà già xấu xí nhưng lại thú vị hơn vợ mình. Vì vậy tờLadies’ Home Journal khuyên độc giả rằng muốn giữ được chồng không phải bằng cách giảm cân hay mua quần lót mới mà nên “đọc, đọc và đọc nhiều hơn nữa! Và hãy thảo luận về sách, báo, phim ảnh và tin tức cùng nhau… Nên nhớ rằng một cuộc sống hôn nhân lành mạnh không chỉ dựa vào tình trạng ổn định và sự thoải mái về sinh lý. Nếu chỉ chăm chăm vào những thứ đó, hôn nhân của bạn sẽ tan vỡ.”

Càng ngày thông điệp càng được tuyên truyền nhiều hơn từ các nhà trị liệu đến các cặp vợ chồng. Vào năm 2004, lượng chuyên gia tâm lý học về hạnh phúc và hôn nhân gia đình ở Mỹ đã vượt qua con số 50.000. Một nhóm kỹ nghệ hôn nhân ước lượng mỗi năm có khoảng 2,6% các cặp vợ chồng đến tư vấn, con số này khá trùng hợp với tỉ lệ những người thừa nhận rằng mình có quan hệ ngoại tình trong năm vừa rồi. Các nhà tâm lý học, nhà tâm thần học và cả những người làm công tác xã hội cũng tham gia vào công việc tư vấn hôn nhân này. Nghiên cứu mới về ngoại tình cũng truyền thêm niềm tin và sức mạnh cho lực lượng đang ngày một đông đảo hơn những “chuyên gia tư vấn hôn nhân” trong Hội nghị Hôn nhân Sáng suốt. Họ tranh luận với nhau rằng những cặp vợ chồng gặp vấn đề này không cần thiết phải trải qua những cuộc trị liệu kéo dài từ năm này sang năm khác, mà chỉ cần những kĩ năng thực tế có thể học và áp dụng trong những ngày cuối tuần. Các chuyên gia này hiếm khi có bằng chứng khoa học để minh chứng cho ý kiến của mình mà chỉ đưa ra những bức thư chứng nhận đầy tình cảm của những khách hàng từng được họ tư vấn.

Trong cuốn sách KHÔNG chỉ đơn thuần là bạn xuất bản vào năm 2003, nhà tâm lý học Shirley Glass ở Maryland, đã đưa thêm một sự thật ra ánh sáng là cả những cặp vợ chồng hạnh phúc cũng ngoại tình. Cụ thể hơn là những người khác giới thường làm việc thêm giờ chung và đi công tác xa cùng nhau, khi đó tình bạn vô tình trở thành tình yêu lúc nào không biết. Điều này cũng xảy ra với cả những người có đời sống tình dục viên mãn ở nhà. Glass và những người khác cũng bắt đầu miêu tả về những “cuộc ngoại tình tư tưởng” còn dang dở mà khách hàng của họ tạo ra ở cơ quan hay trên Internet và luôn giữ bí mật với bạn đời của mình. Điều này lại dấy lên những lo ngại về ngoại tình, bây giờ ngoại tình không chỉ chủ yếu về nhu cầu tình dục mà ngoại tình còn tồn tại giữa những con người không cần lên giường cùng nhau. Đến lúc này, người Mỹ lại đặt ra một câu cửa miệng mới mà tôi thường hay nghe khắp đất nước: Vấn đề không nằm ở chỗ tình dục mà chính là sự dối trá.