CHƯƠNG V: Cái chết của “năm đến bảy”
Sau đó tôi phát hiện một số thống kê chống lại hoàn toàn những chuẩn mực của Pháp. Khi so sánh những số liệu điều tra về tình dục, kết quả cho thấy tỷ lệ một vợ một chồng của Mỹ và Pháp ngang nhau. Hầu hết những người thành niên Pháp đều chung thủy một cách nhàm chán. Họ thường kết đôi vào cuối độ tuổi 20 hay đầu tuổi 30 rồi quan hệ tình dục an toàn trong hôn nhân chỉ với bạn đời của mình suốt năm này qua tháng nọ.
Alain Giami, đồng tác giả của một bài báo so sánh thói quen tình dục của dân Mỹ và dân Pháp, cho biết rằng người Pháp không chỉ chung tình hơn trong thời gian hẹn hò, mà ngay cả hôn nhân và ngoại tình cũng kéo dài hơn dân Mỹ. Giami còn viết: “Ở Pháp, một khi mối quan hệ đã có dính dáng đến tình dục thì mức độ chịu trách nhiệm cũng cao hơn ở Mỹ.”
Thói quen lừa dối nhiều phụ nữ một lúc của dân Mỹ lại rất lạ lẫm đối với người Pháp. Người Pháp một khi đã hôn và nhất là khi đã quan hệ với nhau thì họ sẽ chung thủy với bạn đời của mình. “Gặp được người mà mình thật sự yêu thương đã khó lắm rồi,” một người bạn Pháp làm luật sư ở độ tuổi 30 bảo tôi như vậy. “Thật là ngớ ngẩn hoặc cẩu thả” khi bắt cá hai tay. Cô ấy làm tôi nhớ lại cái lần cô miễn cưỡng “hẹn hò mà chưa biết mặt” (blind date) với một người bạn của tôi đến chơi từ New York. Cô thấy anh chàng ấy khá tốt nhưng cái kiểu hẹn hò “sắp đặt” này lại khắt khe quá. “Mình không nên gặp một người mà ngay từ đầu đã có ý định tiến xa hơn, chỉ là có thể thôi. Vì như vậy mọi phép màu hay điều thú vị đều mất hết cả rồi.”
Càng đào sâu, mọi thứ lại càng phức tạp hơn. Một biểu đồ điều tra ý kiến cho thấy chung thủy là yếu tố hàng đầu mà phụ nữ Pháp cần ở đàn ông, còn đối với đàn ông thì yếu tố này chỉ thua một chút so với yếu tố “dịu dàng”. Cả hai phái đều cho rằng trong những mấu chốt quan trọng trong hạnh phúc hôn nhân thì sự chung thủy chỉ đứng sau chuyện “hợp nhau”. Nếu như được chọn lựa, người Pháp cũng như người Mỹ, đều muốn chung thủy và tin rằng quan hệ một vợ một chồng là con đường vững chắc dẫn đến mối hôn nhân bền vững.