CHƯƠNG V: Cái chết của “năm đến bảy”

Nhiều năm sau, trong cuốn tự truyện tên Khâu chặt miệng xuất bản vào năm 2005, Mazarine còn tả lại bà đã phải trốn dưới ghế xe như thế nào khi rời khỏi phủ tổng thống. Trong các cuộc phỏng vấn, bà cho biết đã đau khổ ra sao khi lúc nào cũng phải “ẩn thân” đến nỗi phải đi điều trị tâm lý. Bà còn viết: “Tôi là đứa con ngoài giá thú và bị giấu giếm – thật là một điều xấu hổ cho nền Cộng Hòa và một sự lăng nhục về đạo đức.” Mitterrand rất thân cận trong quá trình trưởng thành của Mazarine nên cũng đồng ý điền tên mình vào giấy khai sinh của cô vào thời gian cuối đời nhưng vẫn đặt điều kiện rằng điều này phải được giữ bí mật đến khi ông chết. Ngay cả bức hình được đăng trên tuần báo Paris-Match cũng bị đồn đãi là sự sắp đặt của đội đặc nhiệm của Miterrand nhằm từng bước đưa Mazarine ra ánh sáng.

Vậy tôi phải làm sao với cả mớ thông tin này đây? Nước Pháp lẽ ra là địa điểm tuyệt vời nhất để tôi viết về chuyện ngoại tình, bây giờ đã trở nên quá phức tạp. Người Pháp không giống như những gì người ta thường nói. Mặc dù chỉ tìm hiểu được một ít nhưng tôi cũng thấy được những nguyên tắc về quan hệ ngoài hôn nhân ở đây khác với ở Mỹ. Nhưng trừ khi tôi tìm được người nào chịu kể cho tôi về chuyện của họ, bằng không đất nước 60 triệu dân này sẽ mãi nằm trong vòng bí ẩn.

***

ĐIỂM DỪNG CHÂN đầu tiên của tôi là nhà của Diane Johnson, bà là một tiểu thuyết gia Mỹ đã 70 tuổi và bay đi bay lại giữa Paris và San Francisco. Bà chuyên viết những truyện hài hước phức tạp về lối sống và cách cư xử ở Pháp, và hầu như lúc nào cũng liên quan đến chuyện ngoại tình. Mặc dù bà không phải là người bản địa nhưng việc trú thân giữa biên giới của hai nền văn hóa này sẽ làm Johnson có đủ khả năng gỡ mối tơ vò cho tôi.

Căn hộ Left Bank của Johnson thuộc loại cao cấp ở Paris: trần nhà đúc khuôn viền, sách xếp ngay ngắn trên những chiếc bàn cẩm thạch cổ, sàn nhà lót ván gỗ cứ kêu cót két dưới mỗi bước chân khi bà mang cà phê ra cho chúng tôi. Thế giới của Johnson cũng khép kín giống như những nhân vật trong truyện của mình, bà thừa nhận rằng phải mất một thời gian để nhận thấy rằng không phải người Pháp nào cũng có nhà ở ngoại ô. (“Mặc dù theo kinh nghiệm của tôi thì họ đều có vì những người tôi biết đều sở hữu trang viên mà,” bà bảo.)