CHƯƠNG VI: Bắt buộc phải ngoại tình

Từ khóa tìm kiếm: Giải mã dục vọng – Pamela Druckerman

Tôi đã quá quen với việc bị người Pháp lảng tránh khi đề cập đến vấn đề quan hệ ngoài hôn nhân, vì vậy khi đến Moscow tôi cũng ngại trực tiếp hỏi về đề tài này. Thay vào đó, trong thời gian đầu, lúc phỏng vấn một chuyên gia tư vấn hôn nhân, tôi chỉ bảo mình đang nghiên cứu về “vấn đề hôn nhân” và sau đó dần dần chuyển sang đề tài ngoại tình.

Nhưng tôi sớm nhận ra rằng mình rụt rè là thừa, vì khi vừa nghe đến chuyện ngoại tình là cô chuyên gia này hào hứng hẳn lên.

“Thời này thì ai cũng phải quan hệ lăng nhăng như vậy cả. Đó là điều bắt buộc,” cô đột ngột phán rất quả quyết.

Cô ấy đang đùa đấy ư? Tôi nghĩ chắc hẳn giữa tôi và cô ấy có sự hiểu lầm, tôi phải hỏi lại người phiên dịch có phải cô ấy vừa bảo quan hệ ngoài hôn nhân là hiển nhiên không?

chuyên gia này chẳng hề lưỡng lự : “Tôi nghĩ làm vậy là khôn ngoan đấy chứ!” Để minh chứng cho lời khẳng định, cô kể cho tôi nghe về những cuộc tình ngoài luồng của mình trong suốt 15 năm từ khi cô kết hôn, và số lượng này về sau phải giảm đi vì cô quá bận bịu công việc. Cô ấy còn bảo tôi ghi đích danh tính – Svetlana Artemova – và còn tự viết vào sổ tay của tôi để tránh nhầm lẫn.

Tôi từng nghe các nhà trị liệu tâm lý cho rằng chuyện ngoại tình có thể giúp cho quan hệ vợ chồng trở nên khắng khít hơn, nhưng chưa hề nghe ai khẳng định rằng quan hệ ngoài hôn nhân là một yếu tố thiết yếu cho hạnh phúc gia đình cả; rằng chuyện ngoại tình là một chuyện bắt buộc . Đây là góc nhìn lập dị của một bác sĩ tâm lý người Nga ư? Nhưng Anna, cô thông dịch viên của tôi, một mực khẳng định Artemova là một chuyên gia tâm lý có tiếng và rất đắt khách. Ngoài ra, Anna, nay đã ly hôn và sống cùng con trai đã trưởng thành, cũng đồng tình với tuyên bố của Artemova và chẳng lấy gì ngạc nhiên về điều đó cả.

***

MOSCOW có vẻ là nơi phù hợp cho nhiều thành phần phức tạp. Đầu tiên là đôi lúc trời đất bỗng tối sụp lại. Vào tháng 11, trời đất tối đến nỗi đèn flash máy ảnh của tôi phải lóe lên giữa ban ngày. Mọi chuyện vào ban đêm còn kì quái hơn: chỉ thấy toàn các quầy hàng bày bán đủ thứ rượu bia thắp sáng đường phố.

Chỉ sau một hai ngày dạo vòng quanh để phỏng vấn, tôi có một cảm giác rùng mình sởn gáy vì dường như ai cũng có xu hướng gạt gẫm, mặc dù chỉ vì một ít tiền. Tôi biết mình là người nước ngoài nên dễ trở thành con mồi ngon nhưng tôi chưa từng thấy ở đâu mà người ta không chừa một cơ hội nhỏ nào để kiếm tiền như vậy. Những người phụ nữ bán vé tàu điện nhiều khi trả lại thiếu tiền thối cho tôi, và đến khi tôi nhặng xị lên thì họ chỉ dửng dưng nhún vai rồi mới chịu đưa cho đủ. Một tài xế taxi hợp pháp ra giá 15 đô-la để đưa tôi về khách sạn, nhưng sau đó khi phát hiện rằng đích đến cách đó có bốn dãy nhà thì ông ta không chịu thương lượng lại và cũng không chịu mở cốp xe cho tôi lấy vali.

Mọi người ở đây đều là những con buôn. Khi tôi đón một chiếc taxi dù thì chỉ cần vẫy tay là có tài xế tấp vào ngã giá. Nhưng ngồi trên xe lúc nào cũng phải thắt chặt dây an toàn. Giao thông ở đây cực kì hỗn độn, những người đi bộ qua những giao lộ lớn phải chạy thục mạng mặc dù họ được quyền băng qua. Lề đường cũng không an toàn hơn là mấy. Vào ban đêm, nhiều nhóm thanh niên say xỉn cứ lảng vảng, và buổi sáng sau đó, tôi thường bắt gặp nhiều người đàn ông đi ngang qua trên mặt còn nguyên những vết thương mới tinh, có lẽ vừa xuất hiện sau những trận ẩu đả hay vấp ngã vì say rượu từ đêm qua. Tôi thì trố mắt cả ra, nhưng tất cả những người khác chẳng ai thèm đoái hoài gì cảnh đó.

Họ có thái độ liều lĩnh như vậy cũng dễ hiểu, khi đó hầu hết người dân Moscow chỉ kiếm được một khoản tiền chừng vài trăm đô-la một tháng, trong khi đời sống ở đây lại đắt đỏ, ngay cả tôi cũng chỉ dám lưu lại trong một nhà nghỉ hạng xoàng. Nhậu nhẹt say sưa ở đây chính là một trong những yếu tố tổn hại sức khỏe và dễ gây chết người nhất. Một người bạn của tôi hiện đang làm việc cho một hãng luật sư ở Moscow bảo rằng nhân viên quầy tiếp tân luôn chuẩn bị túi cứu thương trợ tim trên mặt bàn. Ngoài ra còn phải kể đến những mối đe dọa từ bên ngoài: một người đàn ông Anh quốc kể cho tôi biết rằng ngay sau khi vào nhận nhà, ông chủ nhà liền ghé ngang qua để “bảo kê” cho anh ta.

Moscow cũng có một tầng lớp trung lưu mới xuất hiện, nhưng chỉ một số ít dân chúng ở đây được liệt vào hạng này. Ngay cả những bác sĩ và giáo sư đại học cũng khẳng định mình không phải “tầng lớp trung lưu” vì họ không đủ tiền để mua xe hơi hay ăn ở nhà hàng và chỉ sống trong căn hộ nhỏ cùng gia đình, con cái. Mà họ cũng chẳng hi vọng tình hình sẽ tiến triển hơn như ở Mỹ. Trong thời Liên Xô cũ, hầu hết người dân của “nước Nga mới” đều sống trong duy nhất một căn hộ cả đời mình.

Nhìn qua bối cảnh ảm đạm này cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi người Nga lấy chuyện quan hệ ngoài hôn nhân để làm niềm vui. Nhưng dù sao đi nữa, số lượng đồng tình chuyện này quá nhiều khiến tôi bị sốc. Từ trước đến nay chưa có một nghiên cứu về tình dục quốc gia chính thức nào ở đây cả, nhưng theo một cuộc khảo sát vào năm 1996 ở St. Petersburg thì có khoảng một nửa số đàn ông và một phần tư số phụ nữ đã ngoại tình trong thời gian đang kết hôn. Có nghĩa tỉ lệ thời gian ngoại tình trong cả đời – kể cả trong những mối hôn nhân cũ – là rất cao. Người dân thành thị ở Nga dường như có xu hướng ngoại tình cao nhất so với các nước công nghiệp khác.

Hay cũng có thể họ tự cho mình là như vậy. Biện pháp xử lý ngoại tình ở Nga quá kém, vì vậy tôi có cảm giác những người đàn ông nào không ngoại tình cũng tự nhận rằng mình từng ngoại tình nhằm làm cho bản thân có phong độ hơn. Trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1994, gần 40% người Nga cho rằng ngoại tình “chẳng có gì sai” hoặc “đôi lúc cũng không đúng” – con số này ở Mỹ chỉ khoảng 6%. Trong thực tế, người Nga có tỷ lệ thừa nhận mình từng ngoại tình cao nhất trong 24 đất nước được khảo sát. Đây là nơi đầu tiên tôi từng tới mà người dân lại khoe khoang về chuyện lăng nhăng của mình nhiều đến vậy.

Vậy có phải vấn đề ngoại tình này, có thật hoặc do tưởng tượng ra, là vấn đề của người Nga? Họ sẽ có thể trở nên khá giả hơn nếu không lang chạ với vợ ông hàng xóm hay không? Vì vậy tôi đã đến nước Nga, nơi được cả thế giới công nghiệp luôn xem là cái nôi của quan hệ ngoài hôn nhân này để tìm hiểu lý do mà người dân ở đây lại thừa nhận mình ngoại tình nhiều như vậy và hành động ấy giúp ích được gì cho họ.

***

KHI TÔI HỎI về tình dục ở thời Liên Xô cũ, người Nga luôn nhắc đến một câu đùa phổ biến trên toàn quốc là: “Không hề có tình dục ở Liên bang Xô-Viết”. Vào những năm 30 và 40, chính phủ thời Stalin cấm giáo dục giới tính và vì vậy ngay cả đến các bác sĩ phụ khoa cũng khó tìm được sách báo thuộc lĩnh vực này. Chính phủ gần như nghiêm cấm mọi thảo luận công khai về tình dục và cũng không cho các nhà khoa học nghiên cứu về nó. Ở trường, học sinh được giáo dục về sự cao quý của tình bạn trong sáng và hướng dân chúng chuyển nguồn năng lượng dành cho tình dục sang để cống hiến cho công cuộc xây dựng quốc gia. Chuyên viên tình dục học Igor Kon cho rằng chính phủ lo sợ vì tình dục là một trong những lĩnh vực khó kiểm soát. Kon từng viết trong quyển Cuộc cách mạng tình dục ở Nga rằng: “Mối nguy hiểm tiềm tàng cho chế độ lúc bấy giờ là hầu hết các mối quan hệ tình dục chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý chứ không xuất phát từ tình yêu chân thật.”

Dĩ nhiên từ những lời nói lý tưởng của chính phủ đến việc người dân chấp hành như thế nào là chuyện khác nhau một trời một vực. Những người có thế lực trong xã hội dùng công quỹ quốc gia đi nuôi tình nhân, tịch thu các sản phẩm khiêu dâm của phương Tây về làm của riêng và còn thỉnh thoảng tổ chức các cuộc thác loạn. Một Bộ trưởng Bộ Văn hóa dưới quyền của Nikita Khrushchev từng bị phát hiện giấu giếm rất nhiều tình nhân toàn các diễn viên trẻ đẹp. Khi ông Leonid Brezhnev, lãnh tụ sau này của Liên Xô, được giao nhiệm vụ tại Kazakhstan trong giai đoạn đầu của sự nghiệp thì ông dường như cũng đem theo rất nhiều nhân tình đi cùng mình.

Vào những năm 60, ai nghi ngờ bạn đời của mình ngoại tình thì đã có thể giao nộp họ cho những người đứng đầu địa phương. Họ sẽ triệu tập một cuộc họp, khi phát hiện ra ai “thật sự có tội” thì người đó sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng và thậm chí không còn cơ hội kiếm được một công việc nào tốt hơn. Tùy vào tâm trạng, ban chấp hành đảng đôi lúc sẽ khoan nhượng đối với các thảo luận khoa học về tình dục. Kon nhắc lại chuyện một sinh viên đã tốt nghiệp của ông trong lúc đang dự định làm một cuộc khảo sát về thói quen tình dục của giới trẻ thì người đứng đầu đảng địa phương liền cấm cậu ta đưa vào câu hỏi: “Bạn có bao nhiêu bạn tình?” Ông ta hỏi, “Hỏi như vậy nghĩa là gì? Bản thân tôi đang sống với vợ tôi chứ ai,” Nhưng Kon bảo ai cũng biết tỏng rằng ông ta đồng thời cũng “đang chung chạ cùng với nhiều vũ công ba-lê thuộc Nhà hát Kirov.”

Có nhiều yếu tố cản trở người ta ngoại tình. Những người phụ nữ lăng nhăng có thể bị mang bầu và phải cắn răng đi phá thai vì đây là hình thức thông dụng nhất để hạn chế sinh đẻ. Còn những người lớn tuổi hơn thì nói với tôi vấn đề lớn nhất là khó tìm được chỗ để hẹn hò. Những người chưa kết hôn không được phép thuê khách sạn, nhất là trong thành phố họ đang sống; ngoài ra cảnh sát cũng hay đi rà soát các bãi đậu xe công cộng nên không thể hành sự trên xe. Còn ở nhà thì lại càng không thể: ngoài chuyện phải tránh trẻ con và họ hàng thì còn có rất nhiều người sống trong các căn hộ công cộng và phải chia sẻ bếp và phòng tắm với những gia đình khác. “Chúng ta được sinh ra ở tiền sảnh, chúng ta làm tình ở tiền sảnh và rồi cũng chết ở tại tiền sảnh,” một nhà điêu khắc ở Moscow từng bảo như vậy với nhà văn Mark Popovsky vào những năm 70.