CHƯƠNG VIII: Chúng tôi phải có ít nhất một nhân tình phòng bị

Những luật lệ về tình dục trong cộng đồng dân đồng tính phương Tây cũng thay đổi. Những người dân đồng tính có cốt cách lên án những hành động bừa bãi. Người nào có ý chế giễu những nguyên tắc tình dục an toàn mới sẽ bị cách ly ra khỏi cộng đồng duy nhất từng hoàn toàn chấp nhận họ. Điều này lập tức có hiệu quả và dân đồng tính bắt đầu tự kiểm soát bản thân mình. “Một cá nhân tự thay đổi thói quen sẽ khó khăn hơn là một cá thể phải thay đổi theo tiêu chuẩn và giá trị của cộng đồng,” Adam Carr, một nhà hoạt động xã hội vì bệnh AIDS của Úc, đã viết. Ông dẫn chứng một nghiên cứu vào năm 1990 cho thấy càng nhiều người bị “xã hội đồng tính” lôi kéo thì họ lại càng biết thực hiện tình dục an toàn hơn. Những người đứng ngoài hoặc còn bảo thủ – và không bị ảnh hưởng bởi nhóm người cùng tuổi – sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Kết quả nghiên cứu của nhà kinh tế học Emily Oster thuộc Đại học Chicago đã cho thấy từ năm 1984 đến 1988, dân đồng tính Mỹ đã giảm số lượng bạn tình đi 30%. Điều này không ngăn được bệnh AIDS nhưng làm giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng dân đồng tính.

Điều tương tự cũng xảy ra trong cộng đồng những người thích quan hệ với người khác giới ở Uganda. Theo một khảo sát của Chương trình Toàn cầu về bệnh AIDS, từ năm 1989 đến 1995, tỷ lệ đàn ông Uganda thừa nhận có ít nhất một bạn tình trong năm ngoái giảm từ 35% xuống 15%. Tỷ lệ này ở nữ cũng giảm từ 16% xuống 6%. Còn đối với dân đồng tính nam vào những năm 80 thì “phòng tránh quan hệ tình dục không an toàn đã trở thành nguyên tắc của cộng đồng” ở Uganda, những tác giả của báo cáo giải thích.

Uganda cũng chỉ biết những thông tin về bệnh AIDS như bao người dân ở các nước thuộc châu Phi khác. Nhưng chính cách tiếp thu nguồn thông tin này đã giúp cho họ thay đổi thói quen của mình. Dân Uganda hầu hết nhận thông tin về căn bệnh từ “các nguồn cá nhân” như bạn bè, linh mục, đồng nghiệp và bạn học. Giống như dân đồng tính nam ở phương Tây, dân Uganda lưu truyền thông điệp tình dục an toàn cho nhau. “Lời cảnh báo đáng tin tưởng và lời khuyên được truyền bá rộng rãi và hiệu quả thông qua mạng lưới xã hội ở Uganda,” hai nhà nghiên cứu Rand Stoneburner và Daniel Low-Beer viết như vậy.

“Đặc biệt ở Nam Phi chỉ tồn tại sự im lặng đáng sợ về vấn đề này. Vì nó là sự xấu hổ, không được chấp nhận và có thể làm khuấy lên những cảm giác hoang tưởng,” Brent Wolff, một nhà nghiên cứu bệnh dịch ở vùng Entebee của Uganda, cho biết. “Ở Uganda, chúng cũng là những vết nhơ nhưng ngược lại bạn được quyền nhắc đến HIV mà không bị người dân nghĩ rằng bạn đang thực hiện một âm mưu mang tầm cỡ quốc tế hoặc muốn bôi nhọ đất nước của họ.”

Ở Uganda, Bộ trưởng Bộ Sức khỏe đã sớm tuyên bố rằng đất nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về sức khỏe có thể dẫn đến diệt vong. Đến cuối những năm 80, Tổng thống Uganda đã tổ chức một chiến dịch nhằm yêu cầu người dân “yêu đương cẩn thận” và “không thả rông” – ý nói thực hiện tình dục an toàn. (Nhưng điều này không có nghĩa nhất thiết họ phải thực hiện chế độ một vợ một chồng vì Uganda cho phép chuyện đa thê.) Họ treo những tấm bảng đề BỆNH AIDS LÀ CÁI CHẾT! HÃY CẨN TRỌNG! Các nhà thờ địa phương cũng tiếp nhận khẩu hiệu này và tuyên truyền cho các con chiên.

Uganda còn có hẳn một phiên bản giống Rock Hudson, ngôi sao điện ảnh Mỹ đầu tiên dám phá lệ công bố mình bị nhiễm bệnh AIDS vào năm 1985, người này là ca sĩ Philly Lutaaya. Trước khi qua đời vào năm 1989, ông đã viết những bản nhạc kể lại cuộc chiến của mình với căn bệnh thế kỷ và còn đi lưu diễn vòng quanh các trường học và nhà thờ để nói về nó. Đến nay bài “Cô đơn trong sợ hãi” của ông vẫn còn được phát trên ra-đi-ô.

***

NGƯỜI DÂN NAM PHI không hề bị thiếu thông tin về HIV. Thông điệp về thực hiện tình dục an toàn luôn được phát đi phát lại trên truyền hình và ra-đi-ô. Trong phòng vệ sinh các trường đại học còn có máy phân phát bao cao su miễn phí. Tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp tôi gặp đều có thể đọc thuộc lòng luật lệ như Kinh Thánh: Luôn luôn phải dùng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc chỉ làm tình với bạn tình chung thủy với mình. Ở Johannesburg, những thông cáo công cộng luôn yêu cầu người dân lái xe cẩn thận, vì khi họ đụng phải người bộ hành bị nhiễm HIV, họ có thể bị lây nhiễm qua đường máu tại hiện trường tai nạn.

Bất chấp những lời cảnh báo này, người dân Nam Phi vẫn không chung thủy hơn được chút nào cả. Người ta vẫn tiếp tục ngoại tình cho dù biết căn bệnh này có thể giết chết họ. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với những gì tôi biết về tính logic và bản năng phòng vệ của con người. Vào năm 2000, người dân của một thị trấn gần như đều “tiếp tục quan hệ tình dục không an toàn” trước và sau 2 năm được giáo dục về HIV. Mặc dù hiểu rất rõ bệnh AIDS, chỉ có một phần ba đàn ông và một phần tư phụ nữ trong vùng quê này cho biết họ có sử dụng bao cao su với những bạn tình ngẫu nhiên. (Một bài báo viết về một vùng quê được đăng trên tạp chí học thuật có tựa đề: “Tôi nghĩ bao cao su cũng tốt thôi, nhưng ôi dào, tôi lại không ưa chúng tí nào cả.”)

Nhà kinh tế học Emily Oster phân tích các dữ liệu thu thập được từ 9 quốc gia thuộc châu Phi từ năm 1997 đến 2002, thời điểm thông tin về HIV được truyền bá nhanh chóng, và thấy rằng tỷ lệ đàn ông quan hệ ngoài hôn nhân giảm không đáng kể, trong khi tỷ lệ phụ nữ ngoại tình lại tăng một ít. Xét về người trưởng thành, đàn ông chỉ có hơn 1 bạn tình vào năm ngoái, còn phụ nữ có vẻ chỉ kém con số này chút ít.

Mặc dù mọi người đều biết luật nhưng chẳng khó để thấy rằng rất nhiều người không tuân theo. Nhà nhân loại học Jonathan Stadler bảo, trong vùng nghiên cứu thực tế của ông, họ đùa rằng 3 chữ cái đầu ABC của phương Tây dùng làm khẩu hiệu chống bệnh AIDS (A là “Abstinence” – kiêng cữ, B là “Be faithful” – chung thủy, và C là “use Condoms” – hãy dùng bao cao su) nên có thêm mẫu chữ cái D là “Death” – cái chết. Ông còn cho biết chẳng có ai chướng tai gai mắt gì khi biết “Người đàn ông của năm” của hội nhận thức về bệnh AIDS trẻ lại bị phanh phui đã từng làm cho 6 phụ nữ mang thai trong thời gian tại vị.

Mặc dù mọi thứ này đều được người dân Nam Phi cho là bình thường nhưng tôi thì vẫn không thể nào hiểu được. Vì sao người ta lại có thể đổi cái chết đau đớn để lấy vài phút sung sướng nhỉ? Tôi bèn đi tìm câu trả lời xác thực tại một trang trại gia đình ở tỉnh Mpumalanga, cách Johannesburg khoảng hai tiếng rưỡi đi xe về phía Đông. Tôi được một người chủ nhà xe tải cho đi nhờ xe. Từ khi ông ta cho biết đã đến địa phận nông trại thì phải mất 25 phút lái xe mới vào được văn phòng. Xung quanh chúng tôi giờ đây là bạt ngàn bắp và khoai tây. Ở đây thì đi đến đâu cũng thấy xa xôi cả. Có khoảng 120 gia đình sinh sống trong trang trại này nhưng nhà cửa và trường học cho con cái lại nằm rải rác rất xa nhau nên họ thường phải bắt nhờ xe như tôi hoặc phải đi bộ dọc suốt những con đường mòn. Một năm thì những công nhân làm việc theo mùa vụ đến đây để giúp việc thu hoạch vài lần, và có lẽ đây chính là nguồn gốc lây nhiễm của bệnh AIDS.

Dù không ai lưu trữ danh sách người lây nhiễm nhưng có vẻ bệnh AIDS đã viếng thăm tất cả mọi người ở đây. Đầu tiên tôi gặp Peter, 45 tuổi, anh làm nông dân ở đây được 10 năm, hiện sống với vợ và con cái. Peter khá gầy gò, khuôn mặt bị chia đôi ra bởi vết sẹo dài, còn chiếc áo vest hoa văn hình thoi nhàu nát lại tạo cho anh ta dáng vẻ của một thợ làm rong nhanh nhẹn. Anh ta cho biết đứa con trai 21 tuổi của mình vừa chết 2 năm trước, còn trước đó 1 năm thì một trong số nhân tình của anh ta cũng qua đời. Tổng cộng anh ta biết có 25 người trong nông trại này đã chết vì bệnh AIDS, hầu hết lìa đời trong vòng 5 năm trở lại đây. Tôi còn nghe nói một số đàn ông tự chữa bệnh cho mình bằng cách uống hỗn hợp của cà phê, tỏi, dầu ô-liu, rau diếp xoăn và dầu bôi trơn cho thắng xe.

Đến như vậy mà bệnh AIDS vẫn chưa được thừa nhận. “Rất nhiều người không tin,” anh ta bảo. Trong giấy chứng nhận tử vong, nguyên nhân chỉ được kết luận dưới những lý do bình thường như bệnh lao, nhưng dĩ nhiên nhìn vào ai cũng tự hiểu nó ám chỉ bệnh AIDS.

Peter khẳng định đã thay đổi thói quen của mình khi thấy những hậu quả xảy ra xung quanh, nhưng sự thay đổi này đa phần bị ảnh hưởng bởi những lời truyền miệng trong vùng hơn là nhận biết từ những gì đang được phát rộng rãi trên phương tiện truyền thông. Anh ta hiện nay cũng không chung thủy với vợ vì thật ra anh ta có quyền làm như vậy. Gái điếm trong trang trại cũng khẳng định hiện nay đàn ông có dùng bao cao su và theo anh ta thì “các cô nhân tình khá an toàn vì họ chung thủy, đàn ông đa phần bị lây nhiễm bệnh AIDS từ gái gọi”. Khi tôi nhắc đến chuyện một trong những cô bồ của anh từng chết vì bệnh AIDS thì anh ta khẳng định rằng mình sẽ không bị lừa một lần nào nữa. “Mình có thể để ý thái độ của cô ta đối với người đàn ông khác, một khi đến thăm mà không thấy cô ả ở nhà là biết là người lăng nhăng rồi.”

Dù sao đi nữa Peter cũng cảm thấy không dễ dàng tuân theo mấy luật lệ đơn giản này cho lắm. Anh ta kể, vào những đêm say sưa ở các quán bar lậu thì cũng có lúc quan hệ không an toàn với các gái điếm vì “Khi chúng ta say thì chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện xài bao cao su. Còn có lắm gái điếm cứ nhảy bổ vào và làm càn lúc đàn ông còn đang lưỡng lự.” Giá cả gái gọi ở đây vào khoảng 7 đô-la một “tua” và 36 đô-la cho cả đêm. Ngoài ra còn có giá ưu đãi 72 đô-la trong 1 tháng (quả là giá hời!) cho khách hàng đến hằng đêm.