CHƯƠNG VIII: Chúng tôi phải có ít nhất một nhân tình phòng bị

Mặc dù làm khổ vợ con như vậy nhưng trong mắt bạn bè thì anh ta chẳng làm gì sai. Ngược lại, nếu anh ta không đi đến mấy quán rượu lậu đó nữa thì sẽ bị coi là tên sợ vợ. Zukiswa có vẻ là một phụ nữ rất cứng cỏi nhưng cô lại không có quyền thay đổi những định kiến trong suy nghĩ của chồng. “Các ông chồng ở đây không thích bị phụ nữ điều khiển và bảo họ nên hay không nên làm gì. Đó chính là nguyên do,” cô bảo.

Pumza, người ngồi cách Zukiswa vài chiếc ghế, thì không trách cứ người bạn trai đã lây HIV cho cô lắm. Cô vẫn còn xúc động khi nhớ lại cái ngày được gặp anh bên đường ở Khayelitsha. “Anh ấy đang tản bộ thì nhìn thấy tôi và hỏi, ‘Anh có thể dẫn em đi đâu không?’” cô nghĩ lại rồi chợt cười hớn hở như cô học trò mới lớn. “Ôi, anh ấy thật dễ thương, đẹp trai và nói năng chậm rãi lắm.”

Pumza năm nay 26 tuổi, mái tóc ngắn, làn da màu sô-cô-la đen bóng và đôi mắt nâu to tròn. Hẳn rất nhiều người sẽ muốn xin số điện thoại của cô. Nhưng hai năm sau kể từ ngày gặp nhau trên phố thì bạn trai tương lai của cô qua đời vì bệnh AIDS. Đến phút cuối anh ta ốm đến nỗi cô cảm giác như không có ai đang nằm trên giường bệnh nữa.

Lúc đầu Pumza không biết chắc vì sao mình bị nhiễm bệnh vì trước đó cô cũng có một người bạn trai khác, cũng có thể do anh này lây cho cô. Sau đó cô nhắc đến chuyện xảy ra vào tuần trước khi cô tham gia một nhóm trợ giúp thì một người phụ nữ tiếp cận cô và bảo đã qua lại với bạn trai gần nhất của Pumza trước khi anh ta gặp cô. Người này đã biết mình nhiễm bệnh vào năm 1995 và cho anh ta hay. Cô ta đã nhìn thấy Pumza quanh quẩn ở Khayelitsha và đã muốn cảnh báo cho cô biết. Sau buổi trợ giúp cô ta nói với Pumza rằng: “Tôi không biết cô có quan hệ với anh ta không và có dùng bao cao su hay không nhưng tôi lo cho cô. Tôi biết anh ta đã nhiễm bệnh. Tôi không biết anh ta có cho cô biết điều này hay không nữa.”

Pumza không thể hòa hợp tin động trời này với hình ảnh lãng mạn của anh chàng đẹp trai xin số điện thoại của cô trên đường hôm ấy. “Trong suốt quãng thời gian đó anh ta biết mình mắc bệnh nhưng vẫn đến với tôi,” cô như đang nói với chính mình. Nhưng Pumza không biết làm sao để trách cứ vì vẫn còn đau lòng vì cái chết của anh ấy. Nhưng khi nghe tin này thì sự đau buồn dường như tan biến. “Tôi thật sự hận anh,” cô tức tưởi. “Nhưng bây giờ cũng có nghĩa gì đâu vì anh cũng đi mất rồi.”

***

KHI TÔI TRÒ CHUYỆN với đàn ông Nam Phi về chuyện ngoại tình thì họ luôn đề cập đến vị vua của Swaziland. Swaziland là một nước nhỏ bé được bao bọc bởi Nam Phi và Mozambique. Lãnh đạo của họ, Mswati Đệ Tam là vị vua thực quyền cuối cùng của châu Phi, và tất cả người dân thuộc miền Nam châu Phi đều tôn thờ ông là người đàn ông tối thượng. Ông ta mới 38 tuổi nhưng đã có cả một truyền kì về sự khao khát tình dục. Mỗi năm ông ta tổ chức một buổi lễ hoành tráng, lúc đó, 10.000 cô gái trẻ để ngực trần sẽ diễu hành để ông chọn ra một cô dâu mới cho mình. Khi tôi ở Nam Phi thì đọc được trong báo địa phương là ông ta đã bỏ ra 820.000 đô-la để mua 10 chiếc xe hơi hiệu BMW mới cho mấy bà vợ hiện tại.

Ngoài việc là một nước cực kì nghèo đói, Swaziland còn có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới. Theo cuốn Sự thật trên thế giới , có đến 39% người lớn ở Swaziland nhiễm bệnh (tỷ lệ của cả Nam Phi chỉ là 22%). Tuổi thọ của đàn ông Swazi là 22 còn phụ nữ là 23. Ai cũng có thể tưởng tượng ra được những con đường HIV lây lan trên đất nước này. Vào năm 2000, đức vua cấm nữ sinh Swazi mặc váy ngắn để giảm nguy cơ quan hệ tình dục giữa trò và thầy. Năm sau đó ông cấm con gái dưới 18 tuổi không được làm tình nhưng rốt cuộc chính ông phá vỡ luật vì cưới người vợ thứ 9 mới 17 tuổi (và ông tự phạt mình một con bò).

Vua Mswati biện minh rằng ông có nhiều vợ để giữ gìn giá trị truyền thống mà các nước trong vùng đang đánh mất, và nhiều người châu Phi cũng tin vào điều này. Người dân Nam Phi bảo rằng tổ tiên của họ cũng theo chế độ đa thê. “Thời xưa” đàn ông không đi lăng nhăng vì họ có đủ đàn bà ở nhà để thỏa mãn dục vọng của mình. Còn ngày nay, chính vì không được có hơn 1 vợ nên họ mới có nhân tình.

Nhưng chuyện này xảy ra có lẽ vì họ không hiểu đúng về lịch sử. Hai nhà sử học Peter Delius và Clive Glaser của Đại học Witwatersrand ở Johannesburg từng ghi chép lại rằng: “Chuyện đa thê không hề lan rộng mà chỉ có một số người châu Phi trước thời thuộc địa mới có nhiều vợ, đa phần là những tù trưởng và người giàu có. Ngoài ra chuyện đa thê cũng không thỏa mãn được dục vọng của họ. Chuyện quan hệ bất chính ngoài hôn nhân cũng có ‘truyền thống lâu đời’ như chuyện đa thê.”

Delius và Glaser giải thích rằng, quan hệ ngoài hôn nhân trở nên phổ biến vào những năm 1930 khi các cặp vợ chồng da đen không chung sống cùng nhau vì chồng phải đi làm việc ở những khu mỏ xa xôi. Khi chồng vắng nhà, các bà vợ trở thành hàng hóa trao đổi tình dục, trong đó bao gồm cả tình yêu, tình bạn và dĩ nhiên là tiền bạc. Một cuộc khảo sát các khu ổ chuột ở Johannesburg vào những năm 1930 có đoạn viết, “chỉ có vài phụ nữ thừa nhận rằng mình có nyatsi (chồng hờ), nhưng những người cung cấp tin tức thì luôn hùng hồn khẳng định rằng hàng xóm của họ có ‘nhân tình’”.

Chuyện này trở nên phổ biến đến mức các ông trả tiền thuê nhà cho các bà để đổi lấy sex được gọi là “Bộ trưởng nhà đất,” người nào trả học phí thì được gọi là “Bộ trưởng giáo dục,” và dĩ nhiên “Bộ trưởng truyền thông” là những người trả phí điện thoại di động. (Còn cung cấp thức ăn chỉ được gọi là “mấy cậu bé cho bữa trưa.”) Helen Epstein, ngòi bút đứng đầu viết về bệnh AIDS ở các nước châu Phi thuộc miền Nam sa mạc Sahara, phát hiện ra rằng những phụ nữ này không chỉ bán thân vì tiền mà rõ ràng còn có sự hiện diện của tình yêu.

Một trong những người có khả năng bao gái ở đây là William, 47 tuổi, vận hành lò luyện kim cho công ty SA Metal Group ở Cape Town – công ty này có một chương trình nội bộ rất sáng tạo dành cho các công nhân nhiễm bệnh AIDS. William có thân hình vạm vỡ, gò má cao và hàm răng hô làm anh trông giống một con hải ly lúc nào cũng nhăn nhó. Anh được chuyển từ lò luyện kim đến ngồi trước mặt tôi trong văn phòng máy lạnh vì anh thuộc diện “giáo dục viên đồng đẳng” về bệnh AIDS của công ty. Có nghĩa là anh phải làm gương cho các đồng nghiệp. Nhưng cho dù anh truyền đạt mọi thông tin chính xác về bao cao su thì anh vẫn không hé môi nói lời nào về chuyện chung thủy. Vì theo anh thì: “Trong nền văn hóa của chúng tôi, ai cũng phải có nhân tình ở ngoài, nhiều khi có cả con ngoài giá thú nữa. Chuyện này không phải vấn đề lớn lao gì trong nền văn hóa của chúng tôi cả.”

Nhưng đối với các bà vợ thì chuyện này lại là vấn đề đấy. Anh thú nhận rằng: “Tôi không dám nói cho vợ mình biết vì sợ.” Thay vì vậy, hai lần một tuần, cứ đến khoảng 8 giờ tối là anh lại gọi về cho vợ và bảo rằng sẽ ở lại qua đêm với các “anh em” và vợ anh chưa bao giờ gọi để kiểm tra cả. Mặc dù vậy, William vẫn phải hành động lén lút và khẳng định chắc nịch rằng những gì mình đang làm là hoàn toàn đúng. Nói cho cùng thì cũng có những đêm vợ anh không muốn quan hệ tình dục. Và giống như mọi đàn ông khác, anh ta cũng sẽ không làm tình với vợ khi cô đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ. Anh bảo: “Chúng tôi là đàn ông mà, đàn ông thì phải có ít nhất một nhân tình để phòng hờ chứ.”

Thông điệp này còn được chấp hành ở cấp lãnh đạo. Vào năm 2006, tòa án tối cao Johannesburg tha bổng cho cựu Phó Tổng thống Jacob Zuma vì tội hiếp dâm một phụ nữ 31 tuổi ngay tại phòng ngủ chính trong nhà ông ở Johannesburg. Mặc dù chánh án kết luận đây là quan hệ tình dục tự nguyện từ đôi bên nhưng vẫn trừng phạt Zuma vì tội không mang bao cao su cho dù Zuma biết người phụ nữ đó đã bị mắc bệnh AIDS. Người phụ nữ này là nhà hoạt động xã hội về bệnh AIDS, còn Zuma, 61 tuổi, từng đứng đầu Hội đồng Bệnh AIDS Quốc gia.

Cả đất nước cùng chăm chú theo dõi lời khai của Zuma (hiện đã có vợ) về nguyên do vì sao ông lại không sử dụng bao cao su: “Tôi hôn và vuốt nhẹ khắp cơ thể cô ấy, đến vùng nhạy cảm thì cô ấy đã trong tình trạng sẵn sàng rồi.” Họ cũng đã định sử dụng bao cao su nhưng trong lúc đó không ai mang theo. Zuma bảo ông cũng ngại nhưng người phụ nữ đó cứ nài nỉ rằng ông “không thể bỏ mặc người phụ nữ trong hoàn cảnh này được,” Tờ Mail & Guardian của Nam Phi thuật lại. “Lúc đó tôi cũng tự nhủ, ‘Mình lớn lên trong văn hóa Zulu nên mình biết rằng nếu có bỏ mặc người phụ nữ trong hoàn cảnh đó thì cô ta cũng báo cảnh sát bắt mình vì tội hãm hiếp.’”

Sau đó người phụ nữ “dang rộng hai chân ra, họ hôn nhau rồi bắt đầu quan hệ xác thịt.” Zuma khai rằng sau khi quan hệ xong ông có tắm rửa kĩ càng và mong rằng sẽ có thể giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh. Trong phiên tòa thì luật sư của ông cũng lấy chuyện này ra để biện hộ.

***

TRÊN BÁO SOWETAN, mục tìm bạn bốn phương được đăng ngay trang trước của mục báo tử, nhìn chẳng khác nào cố ý nói ẩn dụ rằng tình yêu rất gần với cái chết. Con người ở hai mục nằm ở hai mặt giấy này dường như đang lên tiếng trả lời cho nhau. “Douglas M.” viết rằng anh ta “25 tuổi, độc thân và đang tìm một phụ nữ tuổi từ 18 đến 23, không con cái, hiền dịu, biết tôn trọng và có ý định tiến tới hôn nhân… Vui lòng trả lời bằng tiếng Anh, tiếng Zulu hoặc tiếng Shona và gửi kèm theo ảnh.” Bên kia có một người phụ nữ tên Lydia rất phù hợp với yêu cầu của anh ta: Cô 21 tuổi, hiện không con cái, và nhìn hình cũng khá dễ thương, nhưng có điều cô ta “được chôn vào thứ 7 tại Nghĩa trang Avalon”. Cạnh cô là báo tử của 17 người khác lẽ ra nên được đăng thông tin trên mặt kia: Hầu hết đều khoảng 30 tuổi hoặc trẻ hơn, như cậu bé Modiko với khuôn mặt búng ra sữa và chỉ mới 19 tuổi. Không ai trong số họ được đề nguyên nhân tử vong.