Bức thư thứ 3 HỎI ĐÁP VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BỘ NGỰC

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời mẹ gửi con gái – Từ Ninh

Minh Anh yêu quý:

Muộn mất hai ngày mới trả lời được thắc mắc của Thanh, hãy thay mẹ xin lỗi bạn ấy nhé.

Thanh có nói bạn ấy thường cảm thấy ngực ngưa ngứa, nhiều lúc còn cảm thấy ngực cương và hơi đau. Đây đều là những dấu hiệu thông thường của sự phát triển bộ ngực, không cần thiết phải lo lắng. Lần này, mẹ sẽ nói cho các con biết quá trình phát triển của bộ ngực cùng với những điều cần chú ý trong cuộc sống hàng ngày.

Sự phát triển ngực ở con gái là cả một quá trình.

Thông thường, những dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngực bắt đầu phát triển là lúc các bạn gái khoảng 9–10 tuổi. Đầu vú bắt đầu to ra, xuất hiện chồi vú. Màu sắc da xung quanh đầu vú bắt đầu sậm dần, quầng vú rộng hơn. Tuy nhiên giai đoạn này vẫn chưa có cảm giác gì đặc biệt, phần lớn mọi người có thể sẽ không chú ý đến điều này.

Đến lúc 10–11 tuổi, tuyến sữa bắt đầu phát triển, phần lớn mọi người đều cảm nhận rõ sự thay đổi của bộ ngực vào thời kì này. Ví dụ, màu sắc da vùng quầng vú sậm hơn, cảm giác ngực cương và ngứa giống như cảm giác vết thương đang lên da non, đồng thời sẽ hình thành “hạch vú”: nếu con nắn nhẹ, có lẽ không khó phát hiện ra ở giữa ngực có một “khối” cưng cứng, ấn vào hoặc chẳng may đập vào sẽ cảm thấy rất đau. Cái “khối cứng” đó gọi là “hạch vú”.

Sau đó, cùng với sự phát triển của bộ ngực, ống dẫn sữa và mô mỡ dưới da tăng lên, các cơ quanh quầng vú cũng bắt đầu phát triển, ngực dần dần nhô lên thành hình bán cầu, rõ ràng và có tính đàn hồi, quầng vú và đầu vú sậm màu hơn, hạch vú cũng dần dần biến mất. Quá trình này kéo dài khoảng ba, bốn năm, sau đó ngực của con gái đã gần như hoàn thiện. Trong giai đoạn phát triển ngực, trong các tiết thể dục hoặc các hoạt động thể lực, kể cả các những lúc bình thường khi lên xe buýt, đi đến những nơi công cộng đều cần phải học cách tự bảo vệ mình, không để người khác hoặc các vật cứng đập vào ngực. Khi tắm rửa, cởi áo, mặc áo, động tác cần nhẹ nhàng, tránh cọ xát quá mạnh hoặc bất cẩn đập vào ngực. Lúc các con đọc sách, viết bài cũng nên giữ khoảng cách thích hợp với bàn, đừng để ngực tì sát vào cạnh bàn, tránh tạo ra áp lực mạnh lên ngực. Con phải nhớ nói với Thanh, cho dù cảm thấy ngứa đến mấy cũng không dùng tay nặn, bóp hoặc gãi, tránh gây tổn thương và nhiễm trùng cho làn da quanh ngực, qua giai đoạn này sẽ ổn thôi.

Bây giờ đến lúc trả lời câu hỏi của Minh Anh rồi. Ha ha… Mẹ biết con đang sốt ruột lắm rồi đấy!

Ở phần trước, chúng ta đã nói đến “thời gian biểu” của con gái tuổi dậy thì. Nhưng đó chỉ là một sự tham chiếu, một con số trung bình, không phải mọi bạn gái đều có nhịp độ phát triển giống nhau. Có bạn gái vừa lên cấp hai là bộ ngực đã đầy đặn rồi, nhưng cũng có những bạn phải đến lúc này mới bắt đầu phát triển; có bạn một, hai năm đã phát triển hoàn toàn, nhưng có những bạn phải mất bảy, tám năm với hoàn thành quá trình này. Vì vậy, mặc dù con lớn hơn Thanh đến mấy tháng nhưng lại “lạc hậu” so với bạn ấy, đây là do nguyên nhân di truyền, nội tiết, dinh dưỡng trong ăn uống, hình thể, môi trường… và cũng là một hiện tượng hết sức bình thường. Đến lúc trưởng thành sẽ phải trưởng thành, có sốt ruột cũng không được.

Ngoài câu hỏi của các con, còn có vài chuyện mẹ cảm thấy cần phải giảng giải cho các con hiểu.

Thứ nhất là kích thước của “núi đôi”. Xã hội hiện nay ngày càng “thoáng” hơn, qua các bộ phim hay quảng cáo trên ti vi, các con có thể cũng biết, những bộ ngực nhỏ bị gọi là “sân bay” hoặc “màn hình phẳng”, còn bộ ngực đầy đặn sẽ được coi là “gợi cảm”… Thực ra, kích thước của bộ ngực cũng giống như chiều cao cơ thể, chủ yếu có liên quan đến yếu tố di truyền. Thông thường nếu người mẹ có bộ ngực tương đối to, thì ngực của con gái cũng tương đối to; nếu ngực của mẹ thuộc loại nhỏ, thì ngực con gái cũng tương đối nhỏ. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng, quan trọng là sức khỏe. Bởi vì ngực phát triển sớm hoặc to sẽ khiến các con cảm thấy ngại vì thường ngày bị mọi người để ý. Buồn phiền vì chuyện ngực phát triển muộn hoặc “màn hình phẳng” là những điều không cần thiết. Giữa người với người vốn có những khác biệt rất lớn, hoàn toàn không cần thiết phải tự rước buồn phiền vào thân.

Thứ hai là hình dáng của “núi đôi”. Mặc dù hình dạng bộ ngực của mỗi người về đại thể là giống nhau, nhưng cũng vẫn có sự khác biệt nho nhỏ, mất cân đối ở hai bên trái, phải. Thông thường, ngực bên trái sẽ to hơn ngực bên phải một chút. Thực ra, rất nhiều cơ quan trong cơ thể người đều như vậy, thoáng qua thì có vẻ cân bằng, nhưng thực ra lại không hoàn toàn đối xứng và bằng nhau, ví dụ như hai con mắt, hai bàn chân, hai bàn tay… Nhất là ở những bạn gái đang dậy thì, có thể một bên ngực nhạy cảm hơn với estrogen so với bên kia nên có hiện tượng một bên phát triển hơn bên kia, tạo ra sự khác biệt về kích thước. Chuyện này không cần thiết phải lo lắng, đợi sau khi dậy thì xong, ngực sẽ phát triển đầy đủ, sự chênh lệch sẽ không còn quá rõ rệt nữa.

Thứ ba là việc nịt ngực. Có một số bạn gái tuổi dậy thì, vì thiếu kiến thức mà cảm thấy xấu hổ với sự phát triển của bộ ngực, hoặc cũng có thể do theo đuổi hình tượng “mình hạc xương mai” mà mặc những chiếc áo lót bó sát vào ngực mình. Làm như vậy là rất có hại. Trước tiên, phía sau núi đôi là phần cơ và xương lồng ngực rất cứng chắc, khi bị chèn ép như vậy, ngực sẽ phải “nhượng bộ” để nhường bớt không gian. Những chiếc áo lót quá chặt sẽ tạo ra áp lực trực tiếp lên tuyến sữa, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và bạch huyết, gây trở ngại đến sự phát triển của bộ ngực, dễ dẫn đến hiện tượng thụt đầu vú, các ống tuyến sữa không thể phát triển đầy đủ. Những phần lõm xuống dễ tích tụ mồ hôi và chất bã, nếu không vệ sinh được sạch sẽ có thể gây viêm nhiễm hoặc mụn nhọt. Mà khi đầu vú đã thụt vào thì rất khó hồi phục lại, còn ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa và cho con bú sau này. Mặc dù những điều này còn quá xa vời đối với các con, nhưng đây là chuyện cả đời, không thể coi thường. Ngoài ra, mẹ cũng muốn nói cho các con biết yếu tố có liên quan. Ở tuổi dậy thì, xương cột sống cấu thành nên lồng ngực, phần liên kết giữa xương ngực và xương sườn là sụn mềm, còn chưa phát triển hoàn thiện, nịt ngực quá chặt sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên lồng ngực, dễ khiến lồng ngực biến dạng, làm cho phổi khó hô hấp, đồng thời cũng khiến cho phần cơ giãn sườn phải chịu áo lực, lâu dần các chỉ tiêu công năng của phổi như dung lượng phổi, hoạt lượng của phổi sẽ bị giảm sút hơn so với mức bình thường, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và sức khỏe con gái.

Cuối cùng, hãy cùng nói đến vấn đề ăn uống và vận động có ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của bộ ngực. Mặc dù kích thước của bộ ngực chủ yếu là do gen di truyền, nhưng điều cần biết ở đây là quá kén ăn hoặc lười ăn sẽ khiến cơ thể suy dinh dưỡng, thiếu chất béo, cản trở sự phát triển của bộ ngực. Vì vậy, đừng hơi một chút là đòi giảm béo, cũng không nên kén ăn. Còn về vận động, mặc dù ngực là do mô mỡ và tuyến sữa cấu thành, không có bất cứ vận động hay ngoại lực nào có thể khiến nó to lên, nhưng nếu thường ngày chịu khó mát xa ngực có thể tăng cường tuần hoàn máu cung cấp cho ngực, cũng khiến cơ ngực có tính đàn hồi hơn, giúp ngực phát triển hơn. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động thể dục thể thao thích hợp, ví dụ như: bơi lội, tập cơ ngực… có thể khiến cho các cơ ngực trở nên săn chắc và đàn hồi, giúp đẩy ngực lên cao, khiến ngực trông to hơn, đẹp hơn đôi chút.

Mẹ nói nhiều như vậy cũng chỉ muốn các con biết, sự phát triển núi đôi là quá trình mà mọi cô bé đều phải trải qua, cho dù là sớm hay muộn, to hay nhỏ, chỉ cần phát triển trong phạm vi bình thường, khỏe mạnh, các con không cần phải che đậy, không cần phải “chuyện bé xé ra to”, cứ thoải mái chào đón tuổi dậy thì, hãy tận hưởng niềm hạnh phúc trưởng thành con nhé!

Mẹ