Bức thư thứ 50 CON GÁI TUỔI DẬY THÌ NHƯ “BOM NỔ CHẬM”
Từ khóa tìm kiếm: 80 lời mẹ gửi con gái – Từ Ninh
Minh Anh yêu quý:
Hôm nay là ngày tuyển chọn tiết mục cho Ngày hội nghệ thuật của trường, mẹ cứ đợi con về để “tám chuyện” một chút, kết quả lại được nghe một tin không tốt lành: đó là vì bị một bạn cùng lớp chê rằng bài hát chọn không hay nên “giọng ca vàng” Thu Trang đã quyết định bỏ thi, làm cho cả lớp con tiếc đứt ruột vì mất đi một “hạt giống văn nghệ” đầy tiềm năng. Con nói đầy vẻ nuối tiếc: “Bây giờ Thu Trang rất để tâm đến chuyện người khác nói gì, hơn nữa hơi một tí là nổi nóng, khác hẳn so với trước đây…”
Thực ra, ngày càng để ý đến cách nhìn nhận của người khác về bản thân giống như bạn Trang cũng là một biểu hiện của sự phát triển ý thức về cái tôi của thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì.
Sự biến đổi về sinh lí diễn ra quá nhanh dễ khiến cho các bạn nữ trong độ tuổi dậy thì nảy sinh cảm giác thích thú, từ đó bắt đầu có ý thức hoặc vô thức chú ý nhiều hơn đến “cái tôi” trung tâm: Tại sao tôi lại thay đổi như vậy? Tại sao tôi lại nghĩ như vậy? Tôi làm như vậy có đúng không? Người khác có đồng ý với quan điểm của tôi không…. Đây là sự phát triển ý thức cái tôi tuổi dậy thì, là biểu hiện thế giới nội tâm đã trở nên phong phú hơn. Đương nhiên, bên cạnh việc không ngừng xem xét, đánh giá về cái tôi, các con cũng sẽ ngày càng coi trọng cách nghĩ của người khác về bản thân, hoặc bởi quá chú ý đến bản thân nên cảm thấy những người xung quanh lúc nào cũng chú ý, thảo luận về mình. Thế là nhìn thấy các bạn học cùng thì thầm to nhỏ là lại nghĩ: “Bọn họ đang nói xấu mình chăng?”; mỗi khi bố mẹ hay thầy cô nhìn mình lâu hơn một chút hoặc hỏi dăm ba câu thì lại nghĩ: “Mình lại làm sai việc gì rồi ư?; thậm chí nhìn thấy người khác cười cười với mình thì băn khoăn: “Cậu ta đang cười nhạo mình!”, “Có phải cậu ta có ý đồ gì với mình không nhỉ?”; khi ý kiến của người khác có sự khác biệt với ý kiến của mình thì cảm thấy “Anh ta cố tình chống đối mình đây mà!” Trạng thái tâm lí này nhiều lúc khiến cho con cảm thấy mơ hồ, nghi hoặc không biết mình bị làm sao, cũng không biết nên làm thế nào, không biết người khác có thích mình không, thậm chí không biết mình có thích chính bản thân mình không, nhưng lại rất khó mở miệng xin sự giúp đỡ, và giải thích từ người khác, ngược lại còn đánh mất cái tôi trong thời điểm cực kì coi trọng cái tôi như lúc này, cảm giác vô cùng cô đơn và ức chế. Tâm lí mâu thuẫn này nhiều lúc có thể dễ dàng khiến cho tính cách, tâm lí mất cân bằng tạm thời: Một mặt, rất coi trọng cái tôi, hi vọng bản thân mình luôn chính xác, xuất sắc, được mọi người thừa nhận; mặt khác lại thường hoài nghi người khác đang khiêu khích mình, phủ nhận mình, chỉ sợ thua kém người khác. Trong tình cảnh này khó mà có được đánh giá toàn diện và công bằng đối với bản thân, còn có thể bởi vì một câu nói, một ánh mắt của người khác hoặc vì tự mang nhược điểm của mình ra so sánh với ưu điểm của người khác, từ đó khiến cho bản thân mất đi sự tự tin, tâm trạng bất an, lo lắng, cáu gắt, thậm chí giống hệt như một “quả bom nổ chậm”, không biết sẽ phát nổ bất cứ lúc nào. Có lẽ đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho bạn Thu Trang bỏ cuộc thi ngày hôm nay.