Bức thư thứ 51 TẠI SAO NÓI TUỔI DẬY THÌ LÀ “LỨA TUỔI NGUY HIỂM”?

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời mẹ gửi con gái – Từ Ninh

Minh Anh thân mến:

Chiều nay, mấy đứa các con đã hẹn nhau đi xem phim, nhưng mẹ lại nhận được điện thoại của mẹ Thùy Anh, muốn hỏi con có biết bạn ấy đi đâu hay không? Hóa ra Thùy Anh muốn cùng đi xem phim với các con nhưng mẹ bạn ấy không đồng ý, nói bây giờ các con đang ở trong “lứa tuổi nguy hiểm”, không có cha mẹ đi cùng, chỉ có mấy đứa con gái các con đi với nhau thật không an toàn. Thùy Anh đã cãi nhau với mẹ bạn ấy, chẳng ai chịu ai, kết quả là ngoài mặt thì bạn ấy đồng ý với mẹ là sẽ không đi nữa, nhưng đến chiều lại lén trốn ra ngoài…. Mặc dù mẹ xác nhận Thùy Anh đã cùng đi xem phim với các con, cũng an ủi mẹ bạn ấy rất lâu, nhưng tối nay chắc nhà bạn ấy khó mà tránh khỏi “chiến tranh” rồi.

Nói thật lòng, mẹ không hoàn toàn đồng ý với cách nói của mẹ Thùy Anh, nhưng cái gọi là “lứa tuổi nguy hiểm” mà mẹ bạn ấy nói đến không hẳn không có lí. “Lứa tuổi nguy hiểm” có lẽ là chỉ giai đoạn dậy thì của các con, còn “nguy hiểm” là lo lắng các con trong giai đoạn này vẫn không thể phán đoán chính xác sự việc, dễ chịu những ảnh hưởng xấu. So với con trai, con gái bước vào tuổi dậy thì sớm hơn, tâm lí cũng nhạy cảm và yếu đuối hơn, vấn đề này càng khiến cho cha mẹ lo lắng. Tại sao lại như vậy?

Trước tiên, tư tưởng, tình cảm và ý thức về giới tính trong lứa tuổi này đều đang manh nha phát triển, nhưng cực kì non nớt, vẫn chưa thể phân định rõ thị phi, trắng đen, thật giả, dễ ảnh hưởng bởi môi trường và những người xung quanh. Nếu gặp phải những cám dỗ, chỉ bảo sai trái, các con rất dễ tiếp nhận những quan điểm sai lầm.

Thêm nữa, ý thức độc lập ngày càng cao trong thời kì dậy thì sẽ khiến tâm lí chống đối của các con ngày càng mạnh, phần lớn không chấp nhận sự quản lí của cha mẹ, thầy cô, cũng không muốn tâm sự, giao lưu với người lớn, sợ để lộ tư tưởng của mình, thậm chí cố ý làm trái lời người lớn để thể hiện sự “chống đối” hoặc lấy cớ là “chuyện riêng tư” để từ chối sự giúp đỡ, hướng dẫn của người lớn. Sự “chống đối” cố ý này rất có thể khiến cho các con đưa ra những lựa chọn sai lầm.

Bên cạnh đó, một mặt các con xa lánh cha mẹ, thầy cô; mặt khác lại hi vọng kết giao được với nhiều bạn bè cùng trang lứa, tìm được những người bạn có cùng chung “tiếng nói”. Tuy nhiên, bởi vì sự trải nghiệm và kinh nghiệm sống của các con còn hạn chế, khả năng phán đoán, nhận thức về sự vật còn chưa đủ, nếu không thận trọng trong việc kết bạn thì khó mà tránh khỏi tự gây tổn hại cho bản thân.

Vì vậy, mặc dù phương pháp của cha mẹ và thầy cô chưa chắc đã đều chính xác, chắc chắn có “khoảng cách thế hệ” với các con. Nhưng một mặt, cha mẹ làm như vậy là xuất phát từ mong muốn muốn bảo vệ các con tránh khỏi những tổn thương, ý định ban đầu tất nhiên là tốt; mặt khác, các con cũng nên thừa nhận, có rất nhiều chuyện bản thân các con vẫn chưa thể tách rời khỏi sự hướng dẫn và giúp đỡ của người lớn. Vì vậy, khi gặp phải những vấn đề bản thân không thể hiểu rõ, vẫn cần phải tâm sự với cha mẹ và thầy cô để thể hiện suy nghĩ và nguyện vọng của mình, đồng thời lắng nghe ý kiến từ người lớn hoặc cùng người lớn bàn bạc, tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Đơn cử như chuyện đi xem phim ngày hôm nay, nếu Thùy Anh có thể giống như con, ngày ngày kể cho mẹ nghe về những chuyện ở lớp, về bạn bè, bàn bạc trước với mẹ về chuyện đi xem phim, nói cho mẹ biết khi nào đi, đi xem ở rạp nào, đi cùng với ai, mẹ nghĩ mẹ Thùy Anh có thể đã đồng ý, hoặc có thể đưa đón bạn ấy đến chỗ gặp các con, ít nhất sẽ không có việc Thùy Anh phải trốn nhà đi chơi khiến mẹ bạn ấy lo lắng và làm cho sự việc trở nên căng thẳng như thế này.

Sự thấu hiểu phải xuất phát từ hai phía. Người lớn nên thấu hiểu các con, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của các con, các con cũng cần phải thấu hiểu người lớn, nói ra những suy nghĩ của mình, như vậy mới có thể dễ dàng hiểu nhau. Cũng mong con sẽ chuyển lời của mẹ đến Thùy Anh, để bạn ấy xin lỗi mẹ bạn ấy trước và sau này sẽ tâm sự với mẹ bạn ấy nhiều hơn.

Mẹ