Vì sao không được vứt bừa bãi hoặc đốt các pin cũ?
Trong cuộc sống, pin ngày càng được dùng nhiều. Có các loại pin sau: pin thủy ngân (hình dạng pin giống cái cúc), pin vỏ kẽm (pin thông thường), pin mangan (pin dùng cho xe cộ). Nói chung, các loại pin này đều chứa thủy ngân và mangan, đều là những chất có hại cho cơ thể người ở những mức độ khác nhau. Pin thông thường có dạng hình trụ, ở giữa là lõi than làm cực dương, xung quanh là bột có các thành phần mangan đioxit làm chất khử cực, amoni clorua trộn với hồ bột làm chất điện phân, kẽm làm cực âm. Pin bị chôn dưới đất thì mangan hóa trị hai thiếu oxi, trong điều kiện có khí CO2, chúng sẽ biến thành mangan cacbonat dễ tan trong nước gây nên ô nhiễm nguồn nước, khiến người uống ngộ độc mangan. Các loại pin khác nhau đều chứa thủy ngân cho nên đốt pin một cách tùy tiện sẽ gây nên ô nhiễm thủy ngân. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra tiêu chuẩn nồng độ thủy ngân trong không khí là 0,015 mg/m3. Trong tình trạng hiện nay, thủy ngân trong pin phế bỏ còn chưa gây nên tác hại chung. Nhưng nếu không tăng cường khống chế thì 10 năm, 100 năm sau sẽ gây ra hậu quả rất đáng sợ. Do đó không nên đốt rác có lẫn pin khô, mà nên tách chúng riêng ra, xem là loại rác thải không được đốt cháy để xử lí thích hợp, càng không nên vứt pin khô một cách bừa bãi vào môi trường có nước.
Từ khoá: Pin khô phế thải; Mangan; Kẽm; Thủy ngân.