Vì sao phải xây dựng Trạm vũ trụ Quốc tế?
Vũ trụ là môi trường thứ tư của con người ngoài lục địa, biển, và tầng khí quyển. Đối với môi trường mới này con người đang nghiên cứu và khai thác nó. Trạm vũ trụ – ngôi nhà nhỏ trong vũ trụ chính là cơ sở cung cấp cho con người những điều kiện đặc biệt để khám phá, khai thác và lợi dụng tài nguyên vũ trụ. Trạm không gian đã trở thành cơ sở thí nghiệm để con người sống lâu dài trong vũ trụ, có thể rèn luyện khả năng thích ứng của con người đối với môi trường vũ trụ, chuẩn bị điều kiện tốt cho con người trong tương lai sẽ chở người lên các hành tinh khác và di dân ra ngoài Trái Đất.
Từ năm 1971 -1982 Liên Xô đã phóng bảy trạm vũ trụ có tên là “Lễ pháo”. Năm 1973 Mỹ cũng phóng một trạm vũ trụ có tên là “Phòng thí nghiệm vũ trụ”. Các nhà du hành đã tiến hành nghiên cứu về thiên văn, y học, sinh vật ở trong trạm vũ trụ này và khảo sát các tài nguyên tự nhiên, giành được nhiều thành tích to lớn. Nhưng tuổi thọ của các trạm vũ trụ trên quỹ đạo đó không lâu dài, khả năng tiếp nhận số lần các nhà du hành cũng bị hạn chế, do đó được gọi là trạm vũ trụ thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai.
Tháng 2 năm 1986 Liên Xô phóng trạm vũ trụ “Hoà bình” thế hệ thứ ba, đến năm 2000 vẫn còn bay trong vũ trụ. Hơn 10 năm nay cộng tất cả có hơn 100 nhà du hành của hơn 10 nước đã đến trạm vũ trụ này. Trạm có chiều dài hơn 50 m, khối lượng 123 tấn, gọi là “Mẫu hạm vũ trụ”. Các nhà du hành của Nga và Mỹ lần lượt sống trên trạm 439 ngày và 188 ngày các nhà du hành nam nữ cùng sống chung liên tục, đạt kỷ lục dài nhất. Trên vũ trụ đài đặc biệt này các nhà du hành đã diễn những tiết mục đặc sắc, kể cả các mặt như quan trắc thiên văn, thí nghiệm y học sinh vật, thí nghiệm công nghệ vật liệu và thăm dò tài nguyên Trái Đất, giành được những kết quả quan trọng.
Nhưng “10 năm biết mấy bể dâu”, trạm vũ trụ Hoà bình đã tỏ ra già nua. Mấy năm nay các loại sự cố liên tiếp phát sinh, thường ở vào trạng thái “bệnh tật”. Do đó một trạm vũ trụ quốc tế mới đã ra đời.
Trạm vũ trụ quốc tế được quyết định vào năm 1993 do Mỹ, Nga, Nhật, Canađa, Braxin và Cục hàng không vũ trụ châu Âu gồm 16 nước thành viên tham gia xây dựng, là công trình vũ trụ lớn nhất lần đầu tiên được nhiều nước hợp tác trong lịch sử vũ trụ thế giới.