Có phải làm nước đá bằng nước sôi sẽ mau đông hơn so với làm bằng nước lạnh?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 10 – Arkady Leokum

Làm cho một tách trà rất nóng nguội đến nhiệt độ có thể uống được thì nhanh hơn so với làm nguội một tách trà ít nóng hơn không? Hai trường hợp này đều liên quan đến hiện tượng làm lạnh nhưng có một vài lắt léo nếu chúng ta không thật sự hiểu rõ.

Theo quy luật căn bản, nếu sự chênh lệch nhiệt độ giữa một vật và môi trường xung quanh nó càng lớn, thì quá trình nguội đi của vật đó diễn ra càng nhanh. Cho nên một tách trà rất nóng sẽ lạnh đi nhanh hơn so với một tách trà ít nóng hơn. Điều này không có nghĩa là nó sẽ lạnh xuống nhiệt độ uống được sớm hơn, mà chỉ có nghĩa là nó có thể nhanh chóng lạnh đến cùng một nhiệt độ với những tách khác – sau đó thì tốc độ lạnh đi của nó cũng sẽ bằng với các tách kia. Nếu lúc ban đầu tách trà nóng hơn rất nhiều thì rõ ràng tách trà nóng hơn đó phải mất nhiều thời gian hơn mới nguội tới nhiệt độ có thể uống được.

Cùng một lập luận, nước sôi không thể nào đông đặc thành nước đá nhanh hơn nước lạnh được. Vấn đề ở đây là, nước sôi không chỉ nóng hơn nước lạnh mà nó còn chứa ít khí hòa tan hơn nước lạnh và sẽ đông đặc ở nhiệt độ cao hơn một chút so với nước lạnh (nước chứa nhiều tạp chất hơn thì sẽ có nhiệt độ đông đặc thấp hơn và nhiệt độ sôi lại cao hơn). Ở nước nóng, sự bốc hơi cũng làm giảm đi một lượng đáng kể nước cần được làm lạnh. Và trong những trường hợp như vậy thì kết quả đúng là nước đá hình thành mau hơn – đây là một hiện tượng mà thuật ngữ gọi là hiệu ứng Mpemba, do một sinh viên người Tanzani phát hiện lần đầu năm 1969.