Ai dự báo gió bão trên biển?

Một chiếc tàu thám hiểm đang chạy trên biển, các nhà khoa học đều đang khẩn trương làm việc. Người đang đo độ sâu của nước, người thì đo nhiệt độ nước… Một nhà khí tượng đưa quả bóng chứa hiđro gần vào tai nghe thử xem, lập tức ông ta khẩn cấp báo cho toàn đội thám hiểm: “gió bão trên biển sắp đến”. Ngay trong đêm ấy, trên biển đã xảy ra gió bão dữ dội.

Một quả bóng chứa hiđro làm sao có thể dự báo gió bão trên biển? Chẳng nhẽ nó có phép lạ ư?

Thì ra, khi gió bão xảy ra trên mặt biển xa, xoáy không khí do gió mạnh trên cao sinh ra sẽ làm cho không khí dao động mãnh liệt. Loại dao động này có tần số không đến 20 Hz, tai người không nghe thấy. Loại sóng âm có tần số thấp hơn 20 Hz gọi là sóng hạ âm (hay hạ âm). Sóng hạ âm cũng truyền đi với tốc độ âm thanh, có thể truyền rất xa. Vì vậy, tốc độ truyền của sóng hạ âm nhanh hơn nhiều so với gió bão. Còn quả bóng bơm đầy hiđro lại có thể xảy ra cộng hưởng với sóng hạ âm, sinh ra một loại dao động. Cường độ của loại dao động này có thể gây ra một loại sức ép đối với màng nhĩ của người đứng gần quả bóng chứa hiđro, làm cho màng nhĩ cảm thấy đau nhức. Gió bão trên biển càng tới gần, cảm giác này càng rõ rệt. Các nhà khí tượng căn cứ vào loại cảm giác đó mà phán đoán được gió bão sắp sửa đến.

Hiện nay, người ta đã lợi dụng nguyên lí đó để chế tạo ra máy dự báo gió bão trên biển tự động ghi lại được.

Một số động vật biển cũng rất nhạy cảm với sóng hạ âm. Mỗi khi trông thấy tôm con gần bờ nhảy vọt ra xa bờ, cá và sứa vội vã rời mặt nước, lặn sâu xuống đáy biển, thì những ngư dân có kinh nghiệm liền biết là gió bão trên biển sắp kéo tới. Họ nhanh chóng thu lưới và trở về bến.

Từ khóa: Gió bão trên biển; Sóng hạ âm.