Ban đêm, nhờ cái gì mà chim cú nhìn vẫn rõ?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Từ bốn ngàn năm trước, chim cú đã được con người gán cho một ý nghĩ đặc biệt. Người xưa có nhiều điều dị đoan liên quan đến chim cú, nhất là tiếng “rúc” của loài chim này. Nhiều nơi ở châu Âu, tiếng cú kêu bị coi là dấu hiệu của sự chết chóc. Ấy vậy mà thời cổ Hy Lạp, chim cú lại là biểu tượng của sự khôn ngoan.

Chim cú, giống này hoặc giống kia, có mặt khắp nơi trên mặt đất. Ở miền cực băng giá lạnh lẽo, chim cú có bộ lông màu trắng như tuyết dễ lẫn với cảnh vật xung quanh hầu tránh bị kẻ thù phát hiện. Ở bang Texas có giống chim cú nhỏ con đến nỗi nó chỉ hơi “nhỉnh” hơn chim sẻ chút xíu, ăn hạt cỏ và sâu bọ như chim sẻ.

Cú là loài chim sinh hoạt vào ban đêm. Và toàn thân nó được cấu tạo để phù hợp với lối sống này. Trước hết là tiếng “rúc” của nó. Ban đêm, các sinh vật sống xung quanh nghe tiếng cú “rúc” là đều kinh hãi. Sinh vật nào mà nhúc nhích hoặc kêu lên là với cái tai rất thính, cú ta biết liền. Tai cú có vành tai ngoài, khác với mọi giống chim khác. Vài giống cú lại còn có thêm vài cọng lông để tăng cường cho khả năng bắt âm của tai ngoài nữa, để nghe cho rõ hơn. Chỉ cần nghe tiếng động của con mồi, cú “ra tay” liền, vì mắt cú nhìn ban đêm rất rõ. Khả năng này có thể do hai nguyên nhân. Một là độ co giãn của nhãn cầu của mắt cú rất cao, nhờ đó dù ban đêm ánh sáng có lờ mờ thì cũng đủ lọt vào mắt cú. Cú còn dễ dàng điều chỉnh mí mắt lớn, nhỏ, nhờ đó dù ban đêm ánh sáng có lờ mờ thì cũng đủ lọt vào mắt cú. Vị trí của mắt cú thích hợp nên dù đầu cú có quay đủ vòng tròn, cú vẫn nhìn thấy.

Ngay cả bộ lông của cú cũng giúp cho sự săn mồi. Bộ lông của cú xốp và nhẹ đến nỗi cú bay không một tiếng động, nhờ đó nó bay sát đến nơi rồi mà con mồi còn chưa biết.

Cú là động vật có ích vì mồi của chúng là những sinh vật phá hại mùa màng chẳng hạn như sâu, bọ, chuột… Nhưng, gà con hoặc các loại gia cầm khác cũng là những món mà cú rất chuộng.