Ban ngày các ngôi sao “biến” đi đâu?

Nói đến sao người ta thường liên tưởng đến ban đêm tựa hồ sao chỉ ban đêm mới có. Vậy ban ngày các ngôi sao “biến” đi đâu?

Thực ra các ngôi sao trên trời từ sáng đến tối luôn tồn tại, chẳng qua ban ngày ta không nhìn thấy mà thôi. Đó là vì ban ngày các tia sáng của Mặt Trời bị tầng không khí bao quanh mặt đất tán xạ, làm cho bầu trời sáng lên, khiến ta không nhìn thấy ánh sáng yếu ớt của các vì sao. Nếu không có không khí bầu trời chỉ là một khoảng không mầu đen cho dù ánh sáng Mặt Trời mạnh hơn nữa ta vẫn có thể nhìn thấy các ngôi sao. Đối với Mặt Trăng cũng thế.

Trên thực tế, qua kính thiên văn ta vẫn có thể thấy được các ngôi sao giữa ban ngày. Ở đây có hai nguyên nhân: thứ nhất là vách của ống kính thiên văn đã che lấp phần lớn ánh sáng lớp không khí tán xạ, giống như ta đã tạo ra một màn đêm nhỏ. Thứ hai là tính năng quang học của kính viễn vọng có thể khiến cho bối cảnh của bầu trời tối đi, còn ánh sáng của các hằng tinh lại được tăng lên. Như vậy các ngôi sao sẽ hiện rõ bộ mặt thật vốn có của nó. Ban ngày dùng kính thiên văn quan sát sao không đẹp bằng ban đêm, vì độ sáng của các sao hơi bị mờ đi. Nhưng dù sao điều đó cũng chứng tỏ các sao ban ngày vẫn có thể nhìn thấy được.

Từ khoá: Sao; Bầu khí quyển của Trái đất.