Bằng cách nào ta nhìn được không gian ba chiều?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum

Không gian ba chiều là không gian lấy thân xác ta làm chuẩn. Chiều thứ nhất là chiều ngang (trái – phải). Chiều thứ hai là chiều dọc (chân – đầu). Chiều thứ ba là chiều xuyên (trước mặt – sau lưng). Khi nhìn trên cánh đồng rộng và bằng phẳng, bằng cách nào ta nhìn một đối vật này lớn hơn hoặc ở phía trước, phía sau đối vật kia? Tại sao ta không nhìn mọi sự dẹp lép, bằng phẳng mà lại nhìn thấy sự vật theo ba chiều và trong mối tương quan với bối cảnh? Lý do vẫn là: ta không chỉ nhìn đối vật bằng mắt mà còn bằng trí não, nhìn đối vật trong “ánh sáng của kinh nghiệm”. Nếu trí não của ta không sử dụng được những “ám hiệu” mà nó đã “học” được – tức là kinh nghiệm – để thông dịch hình ảnh được đưa vào cho nó nhận diện thì cái nhìn của ta rất là rối rắm, lộn xộn. Chẳng hạn, kinh nghiệm cho ta biết kích cỡ của các sự vật. Một người đứng trong chiếc thuyền ngoài khơi xa bờ thì nom nhỏ hơn cũng chính người đó khi vào đến gần bờ. Nhưng ta không thể nói hình ảnh cao lớn và hình ảnh nhỏ bé của người đó là do hai người khác nhau. Những “ám hiệu” mà trí não ta dùng là như thế nào? Một trong các ám hiệu đó là viễn cảnh, chiều sâu. Nhìn hai đường xe lửa chạy song song, ta thấy chúng dường như chập lại làm một ở phía đằng xa. Căn cứ vào khoảng cách giữa hai đường này ta biết được độ xa (càng ở xa khoảng cách đó càng nhỏ). đồng thời, kinh nghiệm cũng cho thấy vật ở gần thì rõ nét hơn vật ở xa. Cũng bằng kinh nghiệm ta học được cách “đọc” được bóng (shadow) của đối vật. Những cái bóng đó là những “ám hiệu” về hình dạng và mối tương quan của các đối vật. Những đối vật ở gần thì chiếm phần không gian bối cảnh lớn hơn, do đó che lấp nhiều đối vật ở xa. Sự nhúc nhích cái đầu cũng khiến ta cảm thấy cái cây hay cái sào “lùi lại” xa hơn. Ta nhắm một mắt và nghiêng đầu, ta thấy dường như đối vật ở xa cũng chuyển động theo trong khi đó đối vật ở gần thì chuyển động theo chiều ngược lại. Sự phối hợp hoạt động của hai con mắt cũng cho ta nhiều “ám hiệu” quan trọng. Khi đối vật di chuyển lại gần phía ta và ta cố để giữ hình ảnh của đối vật ấy trong tiêu cự thì con mắt ta phải phồng ra (nhỡn cầu cong lại hơn) và bắp cơ mắt bị căng hơn. Chính sự căng bắp cơ này cũng là “ám hiệu” cho biết vật ở gần.