Bệnh suyễn là bệnh gì? tại sao?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum thật ra suyễn không phải là một bệnh mà chỉ là triệu chứng của một tình trạng bệnh. Người bị suyễn cảm thấy khó thở như có cái gì đè chặt lên phổi. Cảm giác phổi bị đè, bị chặn này là do màng nhờn của phổi bị sưng hoặc do các khí quản và phế nang bị co lại. Người bị suyễn hơi thở ngắn, ho, và khi thở có kèm theo tiếng khò khè. Chứng suyễn có thể phát tác từ từ hoặc đột xuất. Cách duy nhất để chữa bệnh suyễn là tìm ra nguyên nhân và loại bỏ nguyên nhân ấy đi. Nguyên nhân bệnh suyễn thì vô cùng phức tạp: không khí, rối loạn cảm xúc, và dị ứng. Khó nhất là dị ứng vì mỗi người dị ứng với những nguyên nhân khác nhau. Nếu một người bị suyễn trước tuổi ba mươi thì thường là do bị dị ứng. Có thể là dị ứng với phấn của một thứ hoa nào đó, dị ứng với bụi, với súc vật (mèo chẳng hạn), với thực phẩm nào đó, với thuốc…

Có rất nhiều loại phấn hoa và bụi gây dị ứng. trẻ em thường dị ứng với thực phẩm như trứng, sữa, các chất bột mì. Các bác sĩ khi chữa cho người bị suyễn cũng thường quan tâm đến tình trạng gọi là rối loạn cảm xúc. Chẳng hạn một người gặp chuyện không vui trong gia đình, gặp rắc rối, thiếu hụt trầm trọng về tài chánh… thì cũng có thể hóa ra bị suyễn. Có nhiều trường hợp chỉ cần cảm thấy bị hắt hủi, không được yêu như ý muốn… cũng hóa ra bị suyễn. tình trạng rối loạn cảm xúc gây ra một loạt phản ứng dẫn đến sự phát tác của chứng suyễn.

Bởi vậy chữa bệnh suyễn cực kỳ là khó khăn và sự chuẩn bệnh của bác sĩ là rất quan trọng. trước hết ông ta phải xem lại tất cả những thứ thuốc mà người bệnh đã dùng. Ông ta phải đặt nhiều câu hỏi: người bệnh đã ăn, uống những thực phẩm gì, môi trường sống của người bệnh đó, kể cả tâm tư tình cảm của người bệnh. Nếu thấy có một sự thay đổi nho nhỏ nào đó trong tập quán sinh hoạt của người bệnh thì bác sĩ phải xem trong sự thay đổi đó cái gì là nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ còn phải hỏi han đến người thân, đồng sự, đồng nghiệp, đến nơi giao du, súc vật trong nhà… của người bệnh. Sau đó bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thay đổi sinh hoạt – ăn, uống, giao tiếp, môi trường… để triệt tiêu nguyên nhân gây bệnh.