Cái gì làm cho keo siêu dính lại có khả năng dính mạnh như vậy?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 10 – Arkady Leokum

Keo siêu dính được phát hiện ra năm 1942 bởi tiến sĩ Harry Coover của công ty Eastman Kodak trong quá trình nghiên cứu các vật liệu phù hợp để chế tạo các thành phần trong suốt. Trong khi tìm kiếm một loại vật liệu thích hợp để chế kính ngắm platic cho súng, ông tìm hiểu tính chất của hợp chất metyl cyanoacrylate và nhận thấy chúng có một đặc tính kì lạ là dính chặt vào bất kì vật gì mà chúng tiếp xúc. Tiến sĩ tình cờ gặp lại chất metyl cyanoacrylate vào chín năm sau trong khi giám sát một nhóm người làm việc trên các tấm plastic chịu nhiệt dùng làm vòm che buồn lái máy bay chiến đấu. Một lần nữa, chất này thể hiện một khả năng dính đến khó chịu nhưng lần này nó khiến ông để ý và đã phát hiện ra một dạng bám dính mới, không cần áp suất hay nhiệt độ để dán dính các vật vào với nhau. Điều tuyệt vời là quá trình dán sẽ xảy ra ngay khi chỉ có sự hiện diện của một lượng rất nhỏ nước – như lớp hơi nước có trong không khí (do độ ẩm tự nhiên của không khí) bao phủ mọi vật chẳng hạn. Kodak đã chế tạo thành sản phầm và lần đầu tiên đưa ra thị trường vào năm 1958.

Keo siêu dính có khả năng tự chuyển đổi từ cấu trúc là một tập hợp của nhiều phân tử riêng biệt thành một chuỗi phân tử có độ liên kết cao, khó phá vỡ. Các electron trong những phân tử nước tác động đến mối liên kết giữa hai nguyên tử carbon trong phân tử cyanoacrylate, biến nó thành một cái móc có hai đầu có thể gắn với những phân tử keo khác. Những liên kết này ngược lại sẽ cho electron cho các phân tử khác, kích hoạt sự hình thành của một chuỗi phân tử, chuỗi phân tử này nối các phân tử với nhau bằng một lực rất lớn. Quá trình này diễn ra vô cùng nhanh và dễ dàng khi có sự hiện diện của nước đến nỗi các nhà sản xuất keo siêu dính phải trộn nó với một lượng nhỏ acid, để có thể làm ngừng các quá trình phản ứng một cách dễ dàng. Chỉ cần một chút hơi nước, ngay cả hơi nước dính trên đầu ngón tay cũng đủ để phá hoại chất ổn định acid và phản ứng hình thành chuỗi bắt đầu xảy ra một cách dữ dội.

Tiến sĩ Coover là người dẫn đầu trong việc cấp bằng sáng chế của việc sử dụng keo siêu dính trong giải phẫu, dán các cơ với nhau mà không cần may lại. Keo siêu dính được sử dụng lần đầu tiên trong giải phẫu trong chiến tranh ở Việt Nam và ngày nay thường được sử dụng trong tiểu phẫu.