Cái gì tạo nên sóng nước?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum

Biển lặng là biển hầu như không có sóng hoặc sóng nhỏ. Vào những ngày có gió lớn, nhất là bão, là biển có sóng lớn. Như vậy ta thấy ngay tác nhân chủ yếu gây ra sóng trên các biển, đại dương là gió, bão. Sóng là do lực di chuyển tác động trên mặt nước tạo nên. quan sát sóng ta thấy các lớp sóng hàng hàng lớp lớp lô nhô đuổi theo nhau như cùng tiến về một hướng. Thực ra sóng đứng im một chỗ. Thả một vật nổi xuống ta thấy vật nổi ấy di chuyển dời chỗ, ta tưởng sóng làm cho nó dời chỗ. Nhưng, vật ấy dời chỗ là do tác động của gió chớ không phải của sóng.

Vận động của sóng là vận động loại nào? Sóng nhấp nhô, chồi hụp, có nghĩa là sóng “dậm chân” tại chỗ. Các phân tử nước nhô lên rồi hạ xuống tại chỗ. Lực tạo nên sóng chuyển động từ ngoài khơi vào bờ nhưng các phân tử nước thì không vận động theo hướng này. Chẳng hạn, ta cầm một đầu sợi dây thừng, ta truyền lực vào làm sợi dây thừng ấy chuyển động, vận động chồi hụp nhấp nhô của sợi dây thừng không làm di chuyển các phân tử tạo nên sợi dây thừng.

Ở dưới đáy nước, sóng chạm vào đất trên một khoảng cách hầu như không đáng kể. Sự chuyển động của chân sóng bị chậm lại do cọ sát với đáy. Trong khi đó ngọn sóng vẫn tiếp tục bị lực tác động theo chiều và tốc độ của lực. Do đó, ngọn sóng bị gãy, bị đổ xuống. Do hiện tượng này ta thấy sóng “bạc đầu”. Lực tạo nên sóng bị tan đi khi chạm vào bờ. Chỉ cần đứng ở chỗ sóng đánh là bạn cảm thấy ngay lực tạo nên sóng tác động vào bạn: sóng xô đẩy bạn.

Trong sóng biển, các phân tử nước chuyển động theo quỹ đạo vòng tròn. Các phân tử ấy bị lực của gió kéo lên và đẩy đi theo hướng gió, nhưng các phân tử nước ấy đồng thời bị hấp lực của trái đất kéo xuống vào đẩy về phía ngược chiều của hướng gió để các phân tử này trở lại mặt phẳng cũ. Vận động lên xuống của các phân tử nước tạo nên sóng. Nếu gió mạnh nghĩa là có sức đẩy lớn, nó sẽ làm cho nhiều phân tử nước bị đẩy lên, do đó sóng lớn. Khoảng cách các ngọn sóng là độ dài sóng. Phần lõm xuống giữa hai ngọn sóng gọi là “lòng máng”. Do đó, sóng lớn cũng có nghĩa là lòng máng rộng và sâu.