Cây bông vải là cây gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum

Trong số các loại sợi dùng để chế tạo vải may quần áo thì bông vải là quan trọng nhất, có thể nói đó là vật liệu chủ yếu. Vì nhiều lý do, chẳng hạn, tự nó, bông vải đã có sợi, do đó dễ se thành sợi mà không tốn nhiều công của đồng thời dễ chế biến, dễ giặt.

Từ ba ngàn năm trước con người đã biết xài bông vải. Trước người Âu rất lâu, người Ấn và người Trung Quốc đã biết xài bông vải. Thật ra, cho đến khi người Âu biết đến bông vải thì họ cứ tưởng đó là loại sợi len, cho nên, rất lâu họ cứ gọi bông vải là “bông len” (cotton wool). Lúc đầu, vải làm bằng bông vải rất đắt. Ở châu Âu, chỉ hàng vua chúa, sang cả, giàu có mới dám sắm. Châu Mỹ mà tìm ra được một phần cũng chỉ vì Columbus muốn tìm con đường ngắn nhất đi đến Ấn độ đặng mua vải bông đem về châu Âu.

Cây bông vải chỉ cao chừng 1,2m đến 1,5m. Cái bông (hoa) của nó nở ra có màu trắng hơi ngả màu vàng kem, thời gian sau lại ngả màu vàng lợt. Sau đó là thành “quả”. Trong khoảng 6 đến 9 tuần lễ, “quả” chín, vỏ biến thành màu nâu. “Quả” nở ra để lộ một “nắm” sợi trắng xóa. Sợi đó giống như sợi bông dài mọc ra từ các hạt bông vải. Khi hái bông vải phải rất cẩn thận để không ảnh hưởng đến những trái chưa chín. Những trái được hái sẽ chất lên xe chở về nhà máy để tách hột ra khỏi sợi. Máy tách hột được gọi là “gin”, nói tắt của tiếng “engine” nghĩa là cỗ máy. Máy tách hột bông do Eli Whitney sáng chế. Làm bằng tay, một người phải mất một ngày mới tách được chừng nửa kí lô bông vải. Nhưng một cái máy tách hột bông thì một ngày có thể tách được vài ngàn kí lô.

Sau khi tách hột, bông được đóng thành “bành”, mỗi bành nặng vào khoảng 250 kí lô và được chở đến nhà máy kéo sợi để dệt đủ thứ vải, dùng vào đủ việc như làm băng cứu thương cho đến vải bố, vải bạt… được chế biến sao cho không ngấm nước, vải bông được dùng làm dù che mưa, áo mưa.

Bông vải là một trong những vật liệu đa dụng nhất mà loài người biết được.