Con sao biển có mắt không?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Mặt trong những sinh vật biển có hình dạng kỳ cục nhất là con sao biển. Tiếng Anh gọi là “starfish” nghĩa là con cá hình ngôi sao. Nhưng, bà con của nó không phải là loài cá mà là “sứa cầu gai”, là “dưa leo biển” và “đô la cát” (sand dollar). Họ hàng nhà sao biển này đông đúc lắm, có tới hơn 6000 chi tộc và mang cái tên khoa học là “echinoderms” (da có gai).

Sao biển và bà con thân thuộc của nó có hệ thần kinh và tiêu hóa rất phát triển. Người ta chia sao biển thành ba nhóm. Loại sao biển “dòn”, có nghĩa là nếu bị bắt thì những tia dài những con rắn bị đứt liền. Những cánh tay của loại này có thể dài từ 20cm đến 25cm. Có loại sao biển “lông vũ” vì những tia của nó nom như những chiếc lông gà và sau cùng là loại sao biển thông thường có kích cỡ khoảng 12cm.

Loại sao biển thông thường có lớp da sần sùi và có một lớp gai ngắn. Ở giữa thân thể sao biển, cả mặt trên lẫn mặt dưới đều dẹt có gắn những “cái nút” dẹt. Qua những “cái nút” này chúng hút, thải nước biển. Những cái dĩa ở mặt dưới tác động như những cái miệng. Vậy thì mắt sao biển nằm chỗ nào? Mắt sao biển nằm bên rìa những cánh tay (cánh sao) của nó và được bảo vệ bằng một vòng gai. Dọc theo mép những cánh sao ấy là những khía. Từ khía này, có những chân hay vòi hút hình ống. Sao biển dùng các ống này vừa làm bộ phận để di chuyển vừa làm cơ quan vị giác. Sao biển không thể di chuyển nhanh được vì những vòi ống (chân) này nhỏ. Tuy vậy, những vòi nhỏ ấy lại làm được những việc mà ta khó tưởng tượng nổi. Ấy là, nó có thể cạy miệng con sò đang khép vỏ cứng ngắt. Khi sò đã bị cạy há miệng ra, sao biển bèn lật ngược cái bao tử của nó ra, luồn cái bao tử ấy qua miệng con sò và cuốn lấy toàn bộ thịt con sò. Ngoài lối ăn hết sức độc đáo ấy ra, sao biển cũng ăn bằng miệng theo kiểu thông thường. Những cánh tay bị gãy cũng có thể mọc lại, thậm chí chỉ từ một cánh tay, chúng vẫn có thể tạo ra một cơ thể mới và hoàn chỉnh.

Con hà, lạ mà quen, quen mà lạ!

Hỏi con hà – tiếng Anh là “barnacles” – là con gì thì hầu hết mọi người được hỏi đều lắc đầu: “Không biết!” Có lẽ tại ta không chú ý tới nó lắm. Bởi vì, nếu bạn ở vùng gần bờ biển có vách đá hoặc bờ biển không phải là bãi cát, hoặc bãi biển có những tảng đá lớn… thì chắc chắn bạn đã trông thấy con hà. Có điều không bao giờ bạn thấy từng con – dù là nhỏ – bò loe ngoe đâu. Bạn có để ý đến những “váng” đóng bám vào các tảng đá chỗ lé mé bờ nước không. Nó đó, những “váng” đó gồm hàng triệu triệu con hà nhỏ tí ti.

Hà thật ra chỉ là loài sò hến li ti (shellfish). Vừa nở ra khỏi vỏ trứng là hà đã bơi loạn cả lên. Nhưng, khi trưởng thành thì hà lại trở nên ù lì, không “quậy” tứ tán nữa mà bám vào nhau tạo thành “váng” và bám vào bề mặt một vật nào đó thuận tiện như mặt ngoài tảng đá chẳng hạn. đến lúc này thì chúng mất hẳn khả năng di động.

Cái tập tính hàng tỉ con hà bám vào nhau rồi bám vào vật nào đó trở thành mối nguy cho người. Chẳng hạn, nếu sườn tàu bị những mảng váng hà bám phủ kín hết thì nó có thể làm giảm tốc độ của tàu tới 50% chớ không ít. Thời kỳ những tàu thuyền nhỏ và chạy bằng sức gió (buồm) thì sự kiện ấy là một mối nguy, không những vì nó giảm tốc độ mà còn vì nó bám vào bánh lái tàu khiến cho việc lái tàu vào những cảng nhỏ càng khó khăn thêm.

Thời mà vùng biển Caribean còn bị các cướp biển tung hoành thì người ta thường thấy những tàu cướp biển phải “ủi bãi” trên một đảo hoang nào đó để cạo bỏ lớp hà bám vào sườn tàu, bánh lái. Sau hai năm dọc ngang trên đại dương, các tàu săn cá voi ngày xưa – dù có săn được hay không, nhiều hay ít – cũng phải quay về để cạo bỏ lớp hà bám vào sườn tàu, bánh lái. Và ngay thời nay, các tàu biển với máy cực mạnh như vậy, thế mà vẫn bị hà làm cho hao tốn bộn mỗi năm và mất một thời gian không phải là ít để sửa lại máy móc, nhất là để cạo bỏ lớp hà bám vào vỏ tàu. Như ở trên đã nói, vừa nở ra khỏi trứng là đám “hà nhóc” bơi loạn xạ cả lên, nhưng một khi đã tìm được chỗ bám thì chúng lại trở thành dân định cư rất lì. Và, khi đã định cư, hà mới bắt đầu phát triển cái vỏ để bao kín toàn thân. Lúc đó chỉ có một bộ phận của hà là còn cử động, đó là bộ râu tua của nó. Bộ râu này gồm sáu cặp tua bằng “da” và chúng ở im một chỗ, dùng bộ râu tua này để “quơ” những sinh vật nhỏ li ti, lùa vào miệng làm thức ăn.