Con tê tê bắt kiến như thế nào?

Tê tê còn được gọi là xuyên sơn giáp, toàn thân được phủ lớp vảy cứng, giống như võ sĩ thời cổ đại khoác áo giáp sắt vậy, nhưng tính cách của nó lại rất ôn hoà, chưa bao giờ đánh nhau với các động vật lớn khác.

Trong miệng của tê tê không có một chiếc răng nào, chỉ có một chiếc lưỡi dài mảnh. Không có răng thì chúng nhai thức ăn bằng cách nào nhỉ? Bạn đừng lo, bởi vì thức ăn mà chúng ăn là kiến và mối, không cần phải nhai, miệng có kết cấu này rất thích hợp để chúng bắt mồi.

Khi tê tê phát hiện thấy một hang kiến, nó liền duỗi móng sắc nhọn như móc câu, vừa đào vừa bới, phá hoại một cách trắng trợn, đuổi đàn kiến từ trong hang ra. Sau đó, chúng lại thè lưỡi dài như chiếc thắt lưng ra để liếm sạch đàn kiến chạy qua, mỗi một lần liếm thì có hàng trăm, hàng nghìn con kiến bị dính lên trên lưỡi và trở thành thức ăn trong bụng chúng.

Đôi khi tê tê không muốn bỏ ra nhiều công sức để đào hang kiến, mà sẽ bố trí một cái tròng để dụ dỗ câu kiến lên.

Cái tròng của tê tê rất thú vị, trước tiên nó giả vờ nằm chết bên hang kiến, mở rộng tất cả vảy trên toàn thân, từ bên trong toả ra mùi tanh nồng nặc, bay từng đợt vào trong hang kiến. Đàn kiến ngửi thấy mùi này lần lượt chui ra khỏi hang, nhìn thấy tê tê giả vờ chết, tưởng rằng đã phát hiện được một núi thịt. Do vậy, vô số kiến trèo lên trên thân của tê tê. Tê tê nhìn thấy thời cơ đã đến liền căng cơ thịt toàn thân, làm toàn bộ vảy khít lại với nhau, nhốt đa số kiến vào trong vảy. Sau đó, tê tê mang đầy kiến trên thân, nhảy vào trong hồ ao mới thả lỏng vẩy ra, lắc mình mấy cái, đàn kiến liền từ từ rơi xuống, trôi trên mặt nước. Lúc này, tê tê mới thè lưỡi dài ra, liếm sạch đàn kiến trên mặt nước.

Tê tê không chỉ ăn kiến, mà còn rất thích ăn mối. Chúng ta biết rằng, mối là kẻ đầu sỏ chuyên phá hoại rừng, còn tê tê lại hoàn toàn là đối thủ một mất một còn của loài mối. Chỉ riêng một con tê tê, một ngày có thể ăn hết 1 kg mối, như thế đã bảo vệ 230 mẫu rừng (mẫu Trung Quốc) không bị mối phá hoại. Vì tê tê đã lập được công lao to lớn như vậy, nên được người ta gọi là “vệ sĩ trung thực của rừng”.