Côn trùng bảo vệ mình bằng cách nào?

Trong các loài vật hiện có trên Trái Đất, côn trùng chiếm khoảng 80%, có thể nói rằng, trong lịch sử biến hoá mấy tỉ năm của giới động vật, côn trùng là đông nhất. Nhưng chúng ta đều biết, so với loài động vật có vú, loài chim hoặc loài bò sát, lưỡng cư, loài cá thì đại đa số côn trùng thực sự là quá nhỏ bé. Vậy thì, những con vật nhỏ bé như vậy, đối diện với sự cạnh tranh sinh tồn tàn khốc trong giới tự nhiên, chúng đã tồn tại như thế nào và không ngừng phát triển lớn mạnh ra sao?

Thứ nhất, nói chung chúng đều có khả năng sinh sản đến kinh ngạc. Lấy ví dụ là một đôi ruồi thông thường, trong điều kiện sinh sản thích hợp sẽ sinh ra, nếu như đều có thể tồn tại và sinh sản, tổng số cơ thể của chúng có thể lên tới 1020 con trở lên, cũng có thể vượt quá 100 ngàn tỉ con. Đương nhiên, tình hình thực tế không thể được như vậy, nhưng đã có cơ sở như con số thiên văn vậy, cho dù môi trường bên ngoài tương đối tồi tệ, thì vẫn sẽ có một bộ phận tồn tại lại và tiếp tục sinh sản.

Thứ hai, việc sinh sản của côn trùng không phải là tuỳ ý. Nói chung chúng sẽ lựa chọn nơi nào an toàn, thức ăn đầy đủ, môi trường thích hợp để đẻ trứng. Thậm chí có một số côn trùng sẽ vì con cháu mà trang bị một số biện pháp bảo vệ. Ví dụ như loài gián mà chúng ta rất quen thuộc, trứng của chúng được bọc trong vỏ trứng, còn như trứng của côn trùng muỗi lại giống như là cấu trúc của một công trình vĩ đại, nó mất nhiều công sức cuộn chiếc lá thành hình ống tròn, và trứng được sinh ra ở trong lòng hình ống giống như chiếc nôi vậy. Những ấu trùng vừa được nở ra hầu như không có khả năng đề kháng, cơ thể non nớt của nó thường trở thành món ăn ngon cho động vật ăn thịt côn trùng. Vì vậy, rất nhiều ấu trùng phải trổ hết các loại kĩ xảo để bảo vệ chính mình. Ví dụ, khi chúng vừa nở ra sẽ tụ tập thành bầy làm cho khi thoạt nhìn trông giống như một vật lớn, hoặc khi nguy hiểm đến chúng sẽ giả vờ chết để trốn tránh sự tấn công của kẻ địch.

So với ấu trùng, sự trang bị của côn trùng trưởng thành rất đầy đủ, biện pháp bảo vệ cũng hữu hiệu hơn. Xúc tu và mắt kép của côn trùng đã cho chúng cảm giác nhanh nhậy; giác quan hai bên miệng mà côn trùng dùng để kiếm thức ăn lại phát triển thành nhiều kiểu dáng đa dạng như kiểu nhai, kiểu đâm hút… Đối với côn trùng mà nói thì thiết bị bảo vệ mình thành công là đôi cánh dùng để bay lượn, ngoài số ít loài ra, đại bộ phận côn trùng đều có đôi cánh có thể mở rộng để bay lượn. Dễ dàng nhận thấy rằng bay không chỉ đã tăng thêm cơ hội kiếm ăn cho côn trùng, mở rộng không gian sinh tồn, mà còn làm giảm khả năng bị kẻ địch tiêu diệt.

Có một số côn trùng còn có thể áp dụng “biện pháp nguỵ trang” khéo léo, làm cho chúng không bị phát hiện khi kẻ địch đi ngang qua. Phương pháp mà côn trùng dùng gọi là hình dáng mô phỏng (sinh vật có màu sắc giống màu sắc xung quanh để tự vệ), có thể bắt chước y hệt hình dáng của sinh vật khác. Ví dụ như côn trùng đốt tre nhìn rất giống một đoạn cành cây non màu xanh biếc, bướm lá khô giống y hệt một chiếc lá khô.

Đương nhiên, côn trùng có thể phát triển nhanh chóng trên Trái Đất như vậy, còn có liên quan với tính năng và cấu tạo đặc biệt của chúng. Bởi vì hình dáng của chúng nhỏ, nên thức ăn và không gian sinh sống mà chúng cần cũng tương đối nhỏ; còn yêu cầu của chúng đối với môi trường không cao, và cơ thể của chúng có vỏ ngoài bảo vệ… Tóm lại, trong quá trình biến hoá thời gian dài của giới tự nhiên, côn trùng đã hình thành một phương thức sinh hoạt đặc biệt thích hợp với mình mới làm cho chúng đối diện được với vô số kẻ địch lớn mạnh trong thế giới “kẻ mạnh là kẻ thắng” này, vẫn có thể sinh sống và phát triển.