Dế có phải là ca sĩ không?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 7 – Arkady Leokum

Dế là côn trùng mà con người đã quen thuộc từ lâu. Dế và châu chấu cùng bộ cánh thẳng, mình dế màu nâu đen, râu xúc giác dài, mắt kép rất phát triển, chân sau khỏe, cánh gấp ở trên lưng, miệng sắc nhọn, cơ quan sinh dục lộ ra ngoài. Đoạn đuôi có hai gai là dế đực, ba gai là dế cái. Dế thường ở trên mặt đất, dưới gạch đá hoặc ở hang trong đất, ăn tạp. Dế đực gáy hay, đá giỏi.

Dế đực không phải là ca sĩ mà là nghệ sĩ chơi đàn. Chiếc vĩ cầm của nó là cánh ở phần ngực, cánh sau chất màng, gập ở phía trước. Cánh trước ở phía trên, chất sừng, khá dày, thành cánh kép, đó chính là bộ phát âm. Cánh trước bên phải và bên trái giống nhau, chỗ gân gần phần gốc đặt trong cánh nhô lên khá cứng; một đường gân cánh nghiêng, phía trên có dạng răng cưa rất nhỏ, mức độ sít của các răng ở các loại dế sẽ khác nhau; có loại 1mm có 70 răng, có loại chỉ có 36 răng, đường gân của cánh kép trái phải cũng khác

Bộ cạo

Bộ phát âm của dế

Cánh phải và cánh trái gập chồng khi bình thường nhau. Bờ mặt trong cánh kép có bộ cạo vị trí gần với đường gân to nhưng hơi dịch về phía trước, là bộ phận đã hóa cứng của viền cánh. Bình thường khi không gáy, cánh kép phải đậy lên trên cánh kép trái. Đường gân của cánh kép trái và phải đều ở mặt dưới. Khi gáy, hai cánh kép giương lên, tạo ra với mặt lưng một góc khoảng 450, giương lên hạ xuống về phía phải phía trái nhanh, bộ cạo trên cánh kép trái có thể cọ sát với đường gân trên cánh kép phải tạo thành chấn động của cánh kép. Đường gân tựa như cái dây đàn, bộ cạo tựa như cái kéo đàn, toàn bộ cánh kép là thân đàn. Bộ cạo càng cạo mạnh đường gân, cường độ chấn động cánh kép càng lớn, tiếng gáy càng cao. Toàn bộ cánh kép còn có tác dụng cộng hưởng. Cánh kép trái cũng có đường gân nhưng không phát triển, cho nên thường là đường gân cánh phải phát ra âm thanh. Khi hai cánh giương cụp thì lúc nào phát ra âm? qua quan sát kỹ lưỡng, phát ra âm là ở động tác cụp cánh. Nhà côn trùng học nổi tiếng người Pháp Jean henri Fabre (1823-1915) đã làm một thí nghiệm lý thú, bắt một con dế rồi đem cánh trái đậy lên cánh phải, kết quả phát không ra âm thanh.

Cánh trước của dế cọ sát vào nhau phát ra âm thanh, tuy chỉ là âm tiết ngắn nhưng dài ngắn lại khác nhau, mạnh yếu khác nhau, tần số khác nhau, nhịp điệu khác nhau, cho nên tạo ra nhiều khúc điệu. Khi dế đực hoạt động cô đơn, phát ra làn điệu chậm rãi dài “tích, tích, tích, tích”; khi tìm thấy dế cái nó phát ra làn điệu ngắn gọn, mềm mại “tích, tích – tích”; khi “tán tỉnh” con cái nó phát ra làn điệu tựa như đang gảy lục huyền cầm “ti rinh, ti rinh, ti rinh”. Kỳ diệu biết bao khi dế đực đấu võ, tiếng đàn của kẻ thắng trận vang cao dồn dập, tỏ ra uy vũ và đắc ý.