Dịch nhớt trên thân cá có công dụng gì?

Đa số loài cá, trên thân đều được bao bọc bởi lớp vảy cứng, nhưng cũng có một số ít loài cá như lươn, cá nheo, cá chạch… toàn thân đều phủ đầy dịch nhớt. Nguyên do là lớp vảy trên thân của chúng đã bị thoái hoá, trực tiếp để lộ da ở bên ngoài, có không ít tuyến dịch nhớt đặc biệt có thể tiết ra, hình thành một lớp dịch nhớt.

Chúng ta biết rằng vảy cá có tác dụng bảo vệ đối với cá, dịch nhớt cũng có tác dụng tương tự như vậy. Tuy nó không thể ngăn cản sự va đập của các vật cứng nhưng có thể phòng chống được sự xâm nhập và tiến công của nấm mốc, ngăn cản các chất có hại trong nước từ da chui vào trong cơ thể.

Thực ra, tác dụng của dịch nhớt không chỉ dừng lại ở những điều đó. Có sự tồn tại của nó thì da của cá mới có thể không thấm nước. Đặc biệt là một số loài cá hồi du ở các sông, có dịch nhớt trên thân thì có thể giúp chúng thích ứng được sự thay đổi chất muối trong nước.

Khi bạn dùng tay bắt lươn, tuy cảm thấy là đã nắm rất chặt, nhưng con lươn vẫn trườn khỏi các kẽ tay của bạn, điều này cũng phải thuộc về công lao của dịch nhớt trên cơ thể nó. Có thể nói rằng dịch nhớt nhẵn bóng còn là một trong những biện pháp thoát thân của những con cá này.

Do dịch nhớt rất trơn, không chỉ làm cho người ta khó mà bắt được cá, mà còn có thể giảm bớt sự ma sát giữa cá với nước, giúp cho cá bơi được nhanh hơn, tiết kiệm sức hơn. Do vậy, có thể thấy rằng so với cá có vảy, dịch nhớt có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn đối với sự sinh tồn của loài cá.