Ếch nhái và cóc khác nhau chỗ nào?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum

Có lẽ bạn sẽ nói chỉ có mấy đứa con nít, mấy người chưa bao giờ trông thấy con ếch, con nhái, con cóc nó ra làm sao thì mới không biết ếch nhái khác nhau chỗ nào. Tuy nhiên, những điểm khác nhau giữa ếch nhái và cóc thì lại không nhiều bằng những điểm giống nhau. Và những điểm giống nhau lại là những điểm quan trọng nhất. Nếu biết vậy, chắc bạn sẽ chẳng nói chỉ mấy đứa con nít… Ếch và cóc đều thuộc loài động vật có máu lạnh và sống lưỡng thê, nghĩa là vừa có thể sống trên cạn vừa có thể sống dưới nước.

Hầu hết các loại ếch và cóc đều rất giống nhau và thường rất khó phân biệt. Tuy nhiên, ếch và nhái có da nhẵn và láng hơn, thân dài và thanh tú hơn cóc. Hầu hết cóc đều da khô, xù xì và… thù lù. Thêm nữa, hầu hết các loài ếch đều có răng, trong khi ấy cóc không có. Cho nên nói rằng cóc nghiến răng là sai.

Hầu hết loài lưỡng thê đều đẻ trứng. Về điểm này thì cóc và ếch giống nhau. Trứng ếch và cóc nom như những hạt bụi lốm đốm nổi lều bều trên mặt nước. Trứng ếch và cóc nở thành nòng nọc (cá nhái) nom giống với những con cá con hơn là giống ếch, cóc. Cá nhái thở bằng mang và có đuôi dài mà lại không có chân. Từ trứng nở thành cá nhái phải mất khoảng từ 3 đến 25 ngày. Khoảng ba bốn tháng sau, cá nhái rụng đuôi và mang, đồng thời chân và phổi phát triển. Nhưng phải mất đến một năm cá nhái mới thành ếch hoặc cóc con. đố bạn biết tuổi thọ của ếch và cóc là bao nhiêu? Tất nhiên chỉ kể cái chết tự nhiên vì quá già. Thật không ngờ là tuổi thọ của ếch, cóc có thể lên tới 40 năm.

Cóc đẻ trứng ít hơn ếch có nghĩa là mỗi năm chị có chỉ có thể sản xuất được từ 4 đến 12 ngàn trứng là tối đa, trong khi đó một chị ếch “trâu” có thể cho ra đời từ 18 đến 20 ngàn trứng mỗi… mùa. Có nhiều loại cóc mà những chú cóc đực phải lãnh những nhiệm vụ không nhỏ trong việc ấp trứng. Như một loại cóc đực có ở châu Âu chẳng hạn đã “cõng” cả chùm trứng phủ kín từ đầu đến chân và ngồi im trong hang cho đến lúc chùm trứng nở hết. đâu đã xong, khi trứng nở hết lại phải dẫn lũ nhóc đến ao, hồ, nơi có nước nữa chứ. Có loại cóc nom rất dị hơm, sống ở Nam mỹ. Trên lưng con đực có những cái lỗ có nắp đậy bằng da, bên trong có chứa chất lỏng. đến mùa sinh nở thì cóc cứ ở lì trong mấy cái lỗ ấy qua thời kỳ “nòng nọc” (cá nhái) để trở thành cóc con rồi mới chịu rời khỏi lưng ông già mình.

Cóc sống ở miền ôn đới thường có màu nâu hoặc màu ô liu trong khi cóc sống ở miền nhiệt đới thì thường có màu lợt. Sờ mó vào cóc chẳng có hại gì đâu, có điều ghê ghê tay.