Hôn nhân đã khởi sự như thế nào?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Hôn nhân, dưới khía cạnh tập tục thì đã có từ thời rất xa xưa trong lịch sử. Nó đã tiến triển qua ba giai đoạn, hay ba kiểu cách. Kiểu cách thứ nhất là kiểu hôn nhân “ăn cướp”. Người đàn ông xưa “ưng” người đàn bà nào là tổ chức “ăn cướp” người đàn bà ấy. Nếu thành công thì người đàn bà “bị” hay là “được” ăn cướp ấy đương nhiên trở thành vợ của họ. Kiểu hôn nhân thứ hai là kiểu hôn nhân “khế ước” nói nôm na là kiểu hôn nhân “mặc cả”. Chú rể “mua” cô dâu. Kiểu hôn nhân thứ ba là “hôn nhân tự hiến”, nói bóng bẩy là “hôn nhân vì tình”. Chàng, nàng yêu nhau. Tuy nhiên, trong hôn nhân ngày nay – hôn nhân vì tình là chủ yếu – không phải là đã sạch vết tích của hai kiểu hôn nhân kia. Kiểu nói “gả chồng, cưới vợ” (giving the bride away) là “di chứng” của kiểu hôn nhân mua (cưới), bán (gả). Các chàng “phù rể” ngày nay là “di chứng” của những chàng trai mạnh khỏe xưa kia đã tham gia giúp chú rể tổ chức “ăn cướp” cô dâu. Và tuần trăng mật chỉ là biến dạng của việc cướp cô dâu rồi đem giấu đâu đó một thời gian để bên đàn gái nguôi ngoai đi khi mệt mỏi vì tìm kiếm, đòi lại! Truy nguyên từ ngữ “wedding” (cưới) ta cũng thấy dấu tích của “hôn nhân mua bán rồi”. Trong ngôn ngữ Anglo – Saxon cổ thì “Wed” có nghĩa là tài sản, tiền bạc, gia súc mà chú rể phải trả cho nhà gái trong cuộc thương lượng, mặc cả, cò kè thêm bớt của nhà gái.

Trong tổ chức hôn lễ còn nhiều tập tục mà nguồn gốc, ý nghĩa của nó có từ thời rất xa xưa mà ngày nay người ta đã quên mất. Chẳng hạn như giải băng màu thiên thanh mà cô dâu phải mang là tập tục cổ của dân Do Thái. Thời cổ, cô dâu Do Thái phải viền cái áo cưới của mình bằng vải màu thiên thanh vì màu này tượng trưng cho sư trinh trắng tình yêu và lòng chung thủy. Những kiểu nói: “Ai đứng ra gả cô X cho người này vậy?” hoặc là “Cô X đã lấy chồng” chẳng hạn thì mang đầy dấu tích của hôn nhân mặc cả. Và tập tục phù dâu là do người La Mã cổ: trong đám cưới long trọng, phải có mười người làm chứng. Tại sao phía sau xe cô dâu chú rể, người ta cột những đôi giày? đây là tập tục trao đổi giày chứng tỏ sự trao đổi uy quyền có nghĩa là từ nay, đối với cô dâu, người chồng có quyền lớn hơn người cha đẻ mình.