Làm sao chúng ta biết dơi dùng rada?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 10 – Arkady Leokum

Hầu hết loài dơi chỉ hoạt động ban đêm. Chúng bay trong đêm để kiếm thức ăn. Bao năm qua, người ta ng- hiên cứu về dơi và thắc mắc không biết làm sao chúng lại nhìn thấy được trong đêm tối. Làm cách nào mà một con dơi ở nơi không có ánh sáng, vừa bay vừa bắt được những côn trùng có cánh?

Nhiều người thường nghĩ rằng loài dơi có thị lực tuyệt hảo lạ kỳ: chúng có thể thấy được trong ánh sáng hết sức mờ nhạt mà mắt người không thể điều tiết. Những nhà khoa học ngày nay đã biết rằng một con dơi có khả năng bay lượn, không phải chỉ nhờ đôi mắt mà còn nhờ hai tai và những cơ quan phát âm.

Trở lại những năm 1780, một nhà động vật học người Ý tên là Spallanzani đã làm một thí nghiệm. Ông bịt mắt vài con dơi và thả chúng trong một căn phòng cả một mạng chỉ đan chéo nhau. Những con dơi ấy đã bay qua mê cung mà chẳng đụng phải một sợi chỉ nào. Nhà khoa học cảm nhận rằng dơi đã dùng tai hơn là mắt để tìm đường trong đêm tối.

Năm 1920, một nhà khoa học khác gợi ý là loài dơi đã dùng những tín hiệu ngoài tầm nghe của con người. Những âm thanh này gọi là siêu âm. Năm 1941, hai nhà khoa học khác quyết định dùng một thiết bị điện tử tối tân để có thể dò tìm những siêu âm trong một thí nghiệm với loài dơi.

Máy ấy chứng minh rằng dơi phát ra những tiếng kêu có âm thanh cao vút và chúng không ngừng phát ra tiếng kêu khi bay qua một mê cung toàn dây điện chằng chịt trong đêm tối. Khi người ta dán miệng dơi lại, những con vật này bị thiệt hại nặng.

Dơi phát ra những tín hiệu – đó là những tiếng kêu có âm thanh cao vút, gặp vật gì trên đường bay âm thanh này đều dội trở lại. Một âm thanh dội trở lại hay phản hồi gọi là tiếng dội. Dơi sử dụng tiếng dội để định vị các vật trong đêm tối.

Các nhà khoa học gọi sự định vị tiếng dội này cũng giống như hệ thống rađa.