Làm thế nào để phân biệt được giữa rắn độc và rắn không độc?

Trên thế giới có khoảng hơn 2500 loài rắn, rắn độc có khoảng trên dưới 650 loài, trong đó Trung Quốc đã có 47 loài rắn độc. Rất nhiều người khi nhìn thấy rắn đều rất sợ, thực ra chủ yếu là sợ rắn độc, bởi vì nếu bị rắn độc cắn thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vậy thì, làm thế nào để phân biệt được giữa rắn độc và rắn không độc là một yêu cầu cấp thiết.

Về bề ngoài rắn độc và rắn không độc không có sự khác biệt hoàn toàn. Thông thường đầu của rắn độc khá lớn, có hình tam giác, cổ nhỏ, đuôi ngắn, đoạn đuôi từ sau hậu môn nhỏ thót lại, hoa văn hiện rõ. Còn đầu của rắn không độc tương đối nhỏ, có hình bầu dục, đuôi dài, đoạn đuôi phía sau hậu môn nhỏ dần. Đầu của rắn độc như rắn 5 bước (ngũ bộ xà), rắn lao, rắn bàn là, rắn lục, rắn cạp nong… đều là hình tam giác, nhưng cũng có một số rắn độc rất ghê gớm, như đầu của rắn cạp nong, cạp nia và các loài rắn biển thì đầu của chúng gần giống như đầu của rắn không độc. Trong số rắn không độc, cũng có một số ít loại có đầu hình tam giác, ví dụ như rắn có hình lăng trụ, vì nó rất giống rắn lao, do vậy cũng có người gọi nó là rắn lao giả.

Sự khác biệt cơ bản nhất giữa rắn độc và rắn không độc là phải xem chúng có hay không có răng độc. Rắn có răng độc thì chắc chắn là rắn độc. Răng độc có hai loại: một là răng móc câu, trên răng có một rãnh dẫn nọc độc, có loài rắn răng này mọc ở phía trước của xương hàm trên, khi chúng há miệng to thì có thể nhìn thấy, loại răng này được gọi là răng hàm trước. Rắn độc có răng rãnh trước này thường có độc tính tương đối mạnh, ví dụ như rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn cạp nia, các loại rắn biển…. Có loài rắn có răng rãnh độc mọc ở phía sau của xương hàm trên, gọi là răng rãnh sau, ví dụ như rắn bùn, rắn thuỷ bào…, những rắn độc có loại răng độc này, độc tính yếu hơn nên khi bị loại rắn này cắn thường là không bị chết. Loại răng độc thứ hai là răng ống, gồm một đôi răng dài hơi cong, đầu nhọn rất nhỏ, giống như đầu của kim thêu hoa, bên trong răng là rỗng cũng giống như chiếc ống vậy, cho nên gọi là răng ống. Phần gốc của răng ống thông với ống dẫn của tuyến độc, nó giống như răng rãnh, khi cắn người, cơ ở phía ngoài tuyến độc co lại, ép dịch độc ở bên trong vào đường ống của răng độc, rồi chích vào trong cơ thể người, dịch độc theo máu toả ra khắp cơ thể người sẽ làm cho người bị trúng độc. Răng độc của rắn lao, rắn năm bước, rắn lục và rắn bàn là… đều là răng ống.

Vì vậy, khi bị rắn cắn, có thể căn cứ vào vết răng để phân biệt bị loại rắn độc cắn hay là rắn không độc cắn, nếu là rắn độc thì nhất định có một vết răng hoặc hai vết răng của răng độc, còn nếu là rắn không độc cắn thì chỉ có hai hàng răng nhỏ li ti.

Nếu như bị rắn độc cắn thì rất nguy hiểm. Nơi bị cắn sẽ bị sưng tấy và đau đớn dữ dội rất nhanh, có khi còn cảm thấy chóng mặt, vã mồ hôi, khó thở… Nhưng khi bị các loại rắn độc như các loại rắn biển, rắn cạp nong và rắn cạp nia cắn, thường mấy giờ sau mới xuất hiện triệu chứng, tính nguy hiểm rất lớn, phải đặc biệt chú ý. Cho nên sau khi bị rắn độc cắn phải tiến hành cấp cứu ngay: lấy một sợi dây vải hoặc một sợi dây gai buộc chặt ở phía trên vết thương buộc garô để giảm bớt tối đa và ngăn không cho dịch độc chạy khắp cơ thể. Song cứ cách 10 phút phải nới lỏng garô một lần chừng 1 ~ 2 phút, để phòng chỗ buộc dây do máu không lưu thông mà dẫn đến hoại tử. Đồng thời lấy tay bóp mạnh chỗ buộc thắt để nặn chất độc ra ngoài, vừa nặn vừa rửa, cố gắng nặn hết máu độc ra ngoài, và sau đó phải nhanh chóng mời thầy thuốc đến chữa trị ngay.