Mực tuộc ăn gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum

Nếu có khi nào bạn lặn xuống biển và đụng đầu “bạch tuộc” hay con mực tuộc thì việc làm hay nhất là tìm cách né đi cho lẹ. điệu bộ và hình dạng của mực tuộc coi bộ nguy hiểm lắm, nhưng thật ra nó không nguy hiểm như ta tưởng đâu. Tuy nhiên mực tuộc cũng thuộc vào loại khó ưa, rất khó chơi. điều này là do “vết cắn” của bạch tuộc và nó có thể có chất độc. Bạch tuộc có hai cái hàm rất nhám nom như cái mỏ vẹt. Không những nó “cắn” rất đau mà còn có thể bơm nọc độc vào vết cắn đó. Tuy nhiên, chất độc đó lại rất hữu dụng cho mực tuộc trong việc kiếm ăn. Chẳng hạn nọc độc ấy làm cho chú cua hết cựa quậy nổi, thế là mựa tuộc chỉ việc đớp gọn. Cua, cá và tất cả các động vật biển có thể là món ăn của mực tuộc. Những động vật này bị các giác khẩu hút lấy rồi bị cặp hàm xé ra. Khi bị đói quá thì mực tuộc chẳng cần “kén cá chọn canh” gì cả. Vớ được sinh vật nào, “tuộc” cũng xé ra ăn tuốt.

Cái khiến cho con tuộc nom có vẻ dữ tợn, kỳ quặc chính là 8 cái râu hay là 8 cánh tay của nó. Mấy cái râu ấy dài và uyển chuyển, có gắn những giác khẩu ở hai bên riềm của mỗi cái râu. Những giác khẩu này giúp cho “tuộc” túm lấy và giữ chặt bất cứ cái gì chúng bắt được. Mực tuộc không dùng những cái râu dài để di chuyển đây đó. để di chuyển, ở phía sau thân mực tuộc có một ống mà tuộc hút nước vào rồi tống nước ra thật mạnh như một máy tống phản lực, nhờ vậy mà tuộc có thể đi giật lùi cực lẹ.

Chắc hẳn bạn không ngờ là ngay từ thời cổ Hy Lạp và cổ La Mã người ta đã săn mực làm thức ăn. Người La Mã coi mực là món khoái khẩu nữa là khác. Ngay trong thời đại của chúng ta, ai mà không khoái món mực tuộc ngâm dấm hoặc khô mực?!