Người viết nốt nhạc đầu tiên là ai?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum

Tất cả các dân tộc sơ khai, nguyên thủy đều cũng đã sáng tạo ra một thứ âm nhạc nào đó. Tất nhiên là nhạc của họ sáng tác ra đều rất khác với nhạc ngày nay.

Loại âm nhạc đó thường gồm nhiều tiếng la hét dài và lớn, những tiếng thở dài, rền rĩ… Tiếng vỗ tay, tiếng trống, điệu vũ hòa nhịp với tiếng hát. Dân ca đã có từ hàng bao thế kỷ, được nghe, được truyền khẩu cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng chưa bao giờ được viết ra.

Việc sáng tác nhạc đã có lịch sử rất lâu đời. Các nền văn minh cổ đại như Trung Hoa, Ấn độ, Assyrian, Do Thái đều đã có âm nhạc. Hầu hết các nền âm nhạc ấy đều giống âm nhạc của chúng ta ngày nay. Người Hy Lạp đã làm cho âm nhạc thêm “rộn ràng” bằng cách đặt các âm trình theo các thang âm cao thấp như ngày nay. Họ ghi dấu âm trình bằng các mẫu tự a, b, c lên trên đầu lời của các bài ca. Sau người Hy Lạp là người La Mã (thật ra, người La Mã chỉ “cóp” nhạc của người Hy Lạp). Nhưng Giáo hội Công giáo thời sơ khai đã giữ vai trò quan trọng và quyết định trong việc phát triển âm nhạc. St. Ambrose và nhất là St. Gregory đã khai sáng ra nền âm nhạc có tên là “Bình ca” (plain song) vẫn được Giáo hội La Mã coi là thánh nhạc. đây là loại nhạc đồng ca do nhiều ca viên hợp xướng, âm này tiếp nối âm kia theo cung cách na ná như cách phát triển của nhạc Hy Lạp. Các chức sắc Giáo hội cũng tìm cách để ghi lại âm nhạc đó. Cách ghi nhạc ngày nay là kết quả của cách thức ghi nhạc của Giáo hội La Mã.

Năm 1600, Jacopo Peri là người sáng tác vở nhạc kịch đầu tiên có tên là Eurydice. Về sau những người như Monteverde chẳng hạn, chẳng những đã sáng tác nhạc opera mà còn sáng tác cho vĩ cầm và các nhạc khí khác nữa. Âm nhạc, lúc đầu, còn được sáng tác cho các buổi khiêu vũ trong triều đình, cho các lễ, các kịch tôn giáo và các hoạt cảnh ngoài trời (pageant), về sau những bản nhạc trường thiên – mà ta gọi là nhạc cổ điển – đã được các đại nhạc sư thiên tài như Bach, Handel, Mozart và Beethoven… sáng tác.