Quả địa cầu có công dụng gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum

Chúng ta có thể dùng giấy các tông làm một quả cầu tròn tiêu biểu cho trái đất, trên bề mặt của mô hình, các lục địa được tô màu vàng hoặc màu xanh nhạt và các đại dương tô màu xanh dương, rồi vẽ các quốc gia. Trên quả cầu tròn đó, ta xuyên vào một các trục, cố định hai đầu trục lên một cái giá đỡ có thể quay được, đó là quả địa cầu.

Chúng ta quan sát thật cẩn thận các ký hiệu, vị trí tương đối trên quả địa cầu, nó có thể chỉ dạy cho ta rất nhiều tri thức. Bản thân địa cầu quay từ Tây sang Đông. Trong quá trình quay, luôn luôn có hai điểm cố định. Đó là hai điểm cực. Điểm chỉ về ngôi sao bắc cực là điểm Bắc cực, ngược lại điểm dưới Bắc cực là điểm Nam cực. Có thể làm một thí nghiệm nhỏ, đặt một quả cầu da nhỏ lên mặt bàn nhẵn bóng, cho quả cầu da quay tít, luôn luôn ta nhìn thấy có một điểm bất động. Cho nên trục quả địa cầu phải đi qua hai điểm cực Nam, Bắc, điểm Bắc cực quay lên trên.

Trên quả địa cầu còn có tuyến ngang và tuyến dọc, tuyến dọc nối điểm hai cực gọi là kinh tuyến; kinh tuyến đi qua địa điểm đặt đài thiên văn Greenwich nước Anh là tuyến 0 độ, sang hướng Đông và hướng Tây mỗi bên 180 độ, trùng hợp với mặt sau tuyến 0 độ. Tuyến ngang vuông góc với kinh tuyến là vĩ tuyến, vòng vĩ tuyến lớn nhất là xích đạo, xác định là 0 độ. Vòng vĩ tuyến từ 0 độ xích đạo càng hướng về hai cực càng nhỏ dần, điểm hai cực xác định là vĩ độ 90 độ. Trên quả địa cầu, kinh tuyến và vĩ tuyến giao nhau tạo thành tọa độ kinh vĩ tuyến. Căn cứ và tọa độ kinh vĩ có thể xác định được vị trí chính xác của bất cứ một điểm nào trên trái đất.

Mặt xích đạo chia địa cầu thành Nam bán cầu và Bắc bán cầu. Về tập quán, căn cứ vào vòng kinh tuyến 20 độ kinh Tây và 160 độ kinh Đông chia địa cầu ra thành Đông, Tây bán cầu.

Bạn có để ý thấy gì không? Trục trên quả địa cầu không phải thẳng đứng đâu nhé, nó nghiêng đấy. Vì rằng trái đất trong quá trình quay của mình, giữa mặt quỹ đạo của trái đất quay chung quanh mặt trời và địa trục có một góc chếch 66,5 độ, cho nên trục trái đất nghiêng.

Chúng ta thường nhìn thấy địa đồ đều vẽ trên giấy, quả địa cầu tức là địa đồ vẽ trên cầu tròn. Quả địa cầu cũng quay như trái đất vậy, thầy cô giáo dùng quả địa cầu để dạy học, nhờ đó chúng ta hiểu được tương đối dễ dàng rất nhiều tri thức địa lí, như ngày và đêm, sự nóng lạnh trên các vĩ độ khác nhau, vị trí của các đại dương và lục địa v.v…