Sứa có nguy hiểm không?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum

Chắc hẳn có lần đang tắm biển, bạn cũng như tất cả những người đang lội bì bõm đã được các nhân viên canh gác yêu cầu lên bờ ngay lập tức vì có sự hiện diện của sứa. Nếu chỉ nhìn con sứa, bạn khó mà tin rằng nó là một sinh vật nguy hiểm.

Sứa có hình dạng như một cái chén lật úp. Bộ phận tiêu hóa của nó nằm dưới “cái chén” đó. Cuối đường tiêu hóa là cái ống thả lủng lẳng ở giữa cái chén và đầu ống là cái miệng của sứa. Những sợi râu tòn teng xung quanh “miệng chén” là những “cánh tay” dùng để bắt thức ăn và đôi khi dùng để bơi. Ở giữa những cái râu ấy là trung tâm thần kinh và cơ quan cảm giác. “Cái chén” của con sứa làm bằng hai lớp mô mỏng, ở giữa hai lớp mô này có chứa một chất hơi trắng đục nom như “sương sa”. Bắt lên khỏi mặt nước, con sứa teo tóp đi rất lẹ, bởi vì 98% cơ thể của sứa là nước.

Nếu như một con sứa nhỏ xíu “chích” thì chẳng nguy hiểm gì lắm. Nhưng nếu bị sứa lớn “chích” thì lại là chuyện khác. Theo báo cáo của các nhà chuyên môn thì “cái chén” của con sứa có thể có đường kính lên tới 3,6m hoặc hơn và “râu” dài cỡ 30m! Khi bạn bị sứa “quấn”, nó làm cho bạn khó thở và có thể bị tê liệt từng phần. Giống sứa có tên “chiến sĩ Bồ đào Nha” là một trong thứ sứa cỡ lớn có thể giết chết và ăn cả một con cá thu. Loại sứa như vậy có thể gây nguy hiểm chết người ấy chứ. Ở bờ biển Úc Châu, một loại sứa có tên là “ong vò vẽ biển” rất nổi tiếng bởi khả năng giết người của nó.

Chính bộ râu của sứa gây nguy hiểm cho con người. Một vài cái râu ấy có gai nhọn để cứa đứt con mồi. Những cái gai nhọn ấy được nối liền với những hạch (tuyến) chứa chất độc có thể giết chết hoặc làm cho con mồi bị tê liệt.