Tại sao cá heo có thể bơi với tốc độ cao?
Căn cứ vào sự tính toán của các chuyên gia lưu thể lực học, tốc độ bơi mỗi giờ của cá heo có thể vượt quá 20 km. Còn trên thực tế thì sao? Tốc độ bơi của cá heo có thể đạt 70 km/h. Khi chúng bị quấy nhiễu hoặc đuổi bắt con mồi, tốc độ lại có thể đạt đến 100 km/h, do đó có người gọi cá heo là “kiện tướng bơi lặn”.
Tốc độ bơi của cá heo tại sao có thể nhanh đến như vậy nhỉ? Các nhà khoa học đã phát hiện, thì ra cá heo ngoài có hình thể kiểu giọt nước, chúng còn có kết cấu da rất đặc biệt.
Về cơ bản da của cá heo có thể chia thành 2 lớp: lớp ngoài là biểu bì dạng xốp rất mềm, dày khoảng 1,5 mm, lớp trong là chân bì chặt chẽ và cứng rắn, dày khoảng 6 mm, trên chân bì có nhiều mấu nổi lên hình núm, dưới mấu nổi lên có sợi cao su đặc và sợi có tính đàn hồi, tết đan xen nhau, giữa hai sợi này có đầy mỡ. Kết cấu da này giống như bộ giảm sóc vậy, trong sóng biển có thể giảm bớt được sự dao động của dòng nước lên bề mặt cơ thể, ngăn chặn sự phát sinh các dòng nước xoáy, làm cho lực cản ma sát của nước giảm đến mức độ nhỏ nhất, do đó cá heo có thể bơi được với tốc độ cao.
Chuyên gia về tên lửa người Đức là Kelamoer, vào thập kỉ 60 của thế kỉ XX đã giải ra câu đố này. Ông đã dùng cao su bắt chước theo cấu tạo da của cá heo để chế tạo thành “da cá heo nhân tạo” buộc vào trên ngư lôi và thuyền để thử nghiệm, làm cho lực cản của ngư lôi và tàu khi tiến lên phía trước giảm bớt một nửa. Hiện nay, đã có thể tiến thêm một bước dùng da cá heo nhân tạo bọc bên ngoài những chiếc tàu cỡ nhỏ hoặc tàu ngầm, làm cho tốc độ chạy của chúng được nâng cao lên nhiều. Nếu như cải tiến hơn nữa, da cá heo thậm chí có thể dùng cho máy bay để nâng cao tốc độ bay.