Tại sao cái cổ của hươu cao cổ lại “quá cỡ thợ mộc” như vậy?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum

Cái cổ của hươu cao cổ đã khiến cho con người ngay từ thời xa xưa thắc mắc. Phải chăng chỉ vì cái cổ cao và bộ lông lốm đốm mà người Ai Cập và người Hy Lạp cổ tin rằng hươu cao cổ là con vật “cha báo mẹ lạc đà” cho nên có tên gọi là “camelopard” (came: lạc đà – lopard: báo)?

Hươu cao cổ là động vật giữ kỷ lục về chiều cao. Các động vật trên hành tinh chúng ta, chưa có động vật nào cao bằng nó. Tại sao cái cổ nó lại cao như vậy chớ? Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều lời giải thích nhưng chưa có lối nào thỏa đáng hoàn toàn. Nhà động vật học nổi tiếng của Pháp tên là Jean Baptise de Lamarck đưa ra giả thuyết: ngày xưa, tổ tiên hươu đâu có cổ cao như vậy. Cái cổ ấy mới chỉ gần đây – tất nhiên, gần đây của lịch sử tiến hóa thì chí ít cũng từ triệu năm trở lên – cái cổ ấy mới dài ra chỉ vì giống vật này chỉ chịu ăn những lá non, mềm trên ngọn cây. Nhưng giả thuyết này không được nhiều nhà khoa học chấp nhận. điều kỳ lạ là thân của giống hươu này cũng không lớn hơn thân của thân con ngựa cỡ trung bình. Cái chiều cao quá khổ của nó – suýt soát 7m, nghĩa là đứng dưới đất nó có thể thè lưỡi liếm tay bạn ở trên sân thượng lầu hai là do chân và cổ của nó. Cái cổ dài ngoằng như vậy mà chỉ có bảy đốt xương. Cổ của người chỉ chừng 15cm mà cũng chỉ có bảy đốt xương. Bởi vậy mỗi đốt xương của hươu cao cổ cũng ngoại khổ luôn. Do đó cái cổ ấy nom ngay đơ cứng ngắc, rất khó cử động khi cúi xuống. muốn uống nước, nó phải đứng dang bẹt hai chân trước ra cho thật rộng để hạ cái chiều cao xuống thì mới uống nước được.

Nhưng cái chiều cao quá khổ ấy lại rất đắc dụng cho nó trong việc ăn. đúng là hươu cao cổ chỉ ăn lá cây. Nhưng ở miền nhiệt đới – quê hương của nó – có rất ít đồng cỏ. mà rừng thì hầu như chỉ gồm cây cao.

Cái lưỡi của hươu cao cổ cũng lại là một kỷ lục: dài xấp xỉ nửa mét! Bởi vậy lá non mọc trong cành gai cũng cứ bị nó “chiếu cố” mà chẳng bị gai đâm. môi trên dầy giúp nó bứt một cái là được cả túm lá. để tránh khỏi hiểm nguy, hươu cao cổ có nhiều cách. Trước hết với bộ lông đốm, nếu nó đứng giữa đám cây thì kẻ thù phát hiện ra nó không phải là dễ, nhất là lúc nó đứng trong bóng cây râm mát. Thứ hai là đôi tai rất thính.

Chỉ tiếng động nhẹ cũng đủ để nó nghe được. Thứ ba là cái mũi của nó cũng lại rất thính, nên dù còn ở xa, nó đã ngửi thấy mùi kẻ thù. Thứ tư là tốc độ của nó qua mặt cả ngựa đua: 50 km/giờ! Nếu với những phương tiện trên mà vẫn bị kẻ thù bén gót thì hươu cao cổ còn hai vũ khí nữa: cú đá hậu của nó không thua một nhát búa “tài xồi” (búa tạ) và cú hất đầu của nó cũng dễ sợ không kém. đến ngay như sư tử mà còn không dám đứng xớ rớ phía sau nó vì sợ cú đá hậu của anh chàng cao cổ đấy.