Tại sao có những thực vật thích sáng, còn có những thực vật lại thích bóng râm?

Bạn có biết những ngôi nhà một mặt hướng Nam, một mặt hướng Bắc, hay ở những sườn núi phía Nam và phía Bắc đều được Mặt Trời chiếu sáng khác nhau. Ánh sáng Mặt Trời ở sườn núi phía Nam chiếu thẳng và chiếu suốt từ sớm đến tối, vì vậy cây trồng ở trên sườn núi này đều được hưởng ánh sáng và nhiệt nhiều; còn ánh sáng Mặt Trời ở sườn núi phía Bắc thì chiếu xiên, nên ánh sáng và nhiệt mà những cây sống ở sườn núi này hưởng tương đối ít. Ngoài ra lượng nước, độ ẩm, nhiệt độ, hướng gió, gió mùa và các điều kiện môi trường khác ở hai bên sườn núi cũng không hoàn toàn như nhau. Do sự chiếu rọi ánh sáng, lượng nước, hướng gió, nhiệt độ khác nhau khiến cho cây trồng ở sườn núi phía Bắc và sườn núi phía Nam cũng có những tính cách khác nhau. Nói một cách đơn giản, cây sống lâu năm ở sườn phía Nam sẽ thích ánh sáng và các nhà thực vật học gọi là cây ưa sáng như tùng, sam, dương, liễu… Những cây sống ở sườn núi phía Bắc thì thường xuyên sống ở dưới bóng râm cho nên gọi là cây ưa bóng râm như cây vân sam, lãnh sam, ngọc trâm… hay một số cây trồng cũng có tính chất như trên, như cây lúa, ngô, lạc, cỏ tranh là loài cây ưa sáng, trầu không, gừng… là loài cây ưa bóng râm. Đây là kết quả của sự sinh trưởng lâu dài ở những môi trường khác nhau.

Đặc tính ưa sáng và ưa bóng râm của cây không thể hình thành trong một thời gian ngắn mà cũng không thể dễ dàng thay đổi những đặc tính này. Vì vậy để thích ứng với môi trường sống ở sườn núi phía Bắc và phía Nam thì cấu tạo sinh lí bên trong và hình dáng bên ngoài của thực vật phải biến đổi. Vậy chúng có cấu tạo khác biệt ra sao? Sự khác biệt rõ rệt nhất là phiến lá. Phiến lá cây ưa sáng tương đối dày và sần sùi, trên mặt lá có lớp chất sừng hoặc chất sáp rất dày, có thể phản xạ tia sáng; các lỗ khí trên lá thông thường nhỏ và dày đặc, thể diệp lục tương đối nhỏ, nhưng số lượng nhiều. Cấu tạo của phiến lá như vậy giúp cây bảo vệ lá dưới ánh sáng mạnh và có thể lợi dụng tốt nhất năng lượng Mặt Trời, thậm chí khi thiếu ánh nắng Mặt Trời cũng tiến hành quang hợp được. Còn loại cây ưa bóng râm có cấu tạo phiến lá trái ngược hẳn, thường lá to và mỏng, chất sừng không phát triển, tế bào và lỗ khí trong thịt lá ít, khe giữa các tế bào tương đối phát triển, có lượng diệp lục ít hơn một nửa so với cây ưa sáng, nhưng hình dạng của lá tương đối to. Cấu tạo như vậy có lợi cho cây sống ở vùng ẩm ướt, có nhiều bóng râm, hấp thụ và lợi dụng được cả ánh sáng yếu ớt.

Ánh sáng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự sinh trưởng và phát dục của cây trồng. Do tác dụng của sự chiếu sáng, lá cây ưa sáng và lá cây ưa bóng râm có sự khác biệt rõ ràng về sinh lí và hình dáng mà ngay cùng một loài cây, sống ở vùng đầy đủ ánh sáng hay vùng nhiều bóng râm thì sự biến đổi sinh thái của phiến lá cũng rất lớn. Ví dụ như cây sống ở nơi trống trải, tán cây trải rộng, còn sống ở trong rừng rậm âm u, tán cây sẽ hẹp, đứng cao vút.

Thậm chí có khi trên cùng một cây chỉ cần ánh sáng chiếu vào khác nhau thì tính chất thể hiện cũng khác nhau, những lá thường ở trên mặt tán cây do được đầy đủ ánh sáng nên những lá này sẽ có đặc tính của lá cây ưa sáng, còn những lá ở dưới hay ở bên trong tán cây do thiếu ánh sáng nên sẽ có đặc tính của cây ưa bóng râm như cây đinh hương, cây hòe gai chẳng hạn, trên cùng một cây thường xuất hiện cả lá ưa bóng râm và lá ưa ánh sáng.

Như vậy tính chất ưa sáng và ưa bóng râm của cây chủ yếu là do điều kiện, hoàn cảnh sinh sống, hướng chiếu thẳng hay hướng chiếu xiên của tia sáng tạo nên. Song có một đặc điểm có thể khẳng định là bất luận cây ưa sáng hay cây ưa bóng râm, nếu một khi không có ánh sáng thì dù thuộc loại nào cũng đều không sống lâu được.