Tại sao khủng long lại bị tuyệt chủng?

Trong lịch sử phát triển của sinh vật học, có rất nhiều loài động vật sau khi xuất hiện lại biến mất. Vì vậy chúng ta không cảm thấy kì lạ, bởi vì động vật tuyệt chủng trên thực tế là một giai đoạn tất yếu trong lịch sử tiến hoá của sinh vật. Một số loài động vật phát triển đến một thời kì nhất định thì sẽ kết thúc sứ mệnh của nó, do đó không gian sinh sống của chúng sẽ có loài động vật mới thay thế, trên thực tế, đây cũng chính là quá trình trao đổi chất của thế giới sinh vật.

Đôi khi, sự ảnh hưởng của quá trình trao đổi chất này là rất lớn, nó sẽ dẫn đến sự suy kiệt của một số quần thể sinh vật lớn, lịch sử địa chất thì lấy đó làm sự khởi đầu của thời đại mới. Ví dụ, khi một loài sinh vật thuộc ngành chân đốt là bọ ba thuỳ bị tuyệt chủng, con người lấy dó làm mốc kết thúc đại Cổ sinh. Còn sự kết thúc của đại Trung sinh thì lại lấy khủng long bị tuyệt chủng làm mốc. Nói cách khác, lấy kỉ Krêta (phấn trắng) đại Trung sinh cách đây 65 triệu năm trước làm mốc, vượt qua mốc này hàng loạt sinh vật như khủng long cũng sẽ không bao giờ tìm thấy nữa.

Tuy tuyệt chủng là tất yếu, vậy thì tại sao mọi người cứ không ngừng bàn tán về đề tài khủng long tuyệt chủng thế? Điều này một mặt là do khủng long – con vật to lớn này quả thực đã gây chấn động rất lớn đối với sinh giới, mặt khác, mọi người cũng cảm thấy kì lạ, khủng long thời điểm đó là kẻ thống trị toàn cầu, mà kẻ thống trị lại biến mất một cách lặng lẽ như vậy thì điều này chẳng khiến người ta cảm thấy nghi ngờ sao. Do vậy, việc nghiên cứu về vấn đề khủng long tuyệt chủng đã trở thành một đề tài vô cùng nóng.

Xoay quanh vấn đề khủng long bị tuyệt chủng như thế nào, trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều giả thiết như trúng độc, lão hoá, ô nhiễm môi trường, vỏ trứng biến chất, sự bùng nổ của các siêu tân tinh v.v.. Mỗi một giả thiết đều có thể viết thành một bộ phim truyền hình rất dài, kể cho bạn nghe một câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Thế nhưng khoa học thì không thể chìm sâu trong các câu chuyện mà nó cần phải có bằng chứng xác thực. Trong những giả thiết này, đại đa số các nhà khoa học cho rằng, giả thiết các thiên thạch va đập đưa ra hàng loạt bằng chứng, có sức thuyết phục tương đối đáng tin cậy.

Năm 1980, giáo sư Abaelies, Trường đại học bang California của Mĩ trong quá trình nghiên cứu tại Italia đã phát hiện ra irit trong địa tầng 65 triệu năm trước có nồng độ cao gấp mấy chục lần, thậm chí mấy trăm lần so với hàm lượng thông thường. Loại irit có nồng độ cao này có thể tìm thấy hàm lượng tương đồng trong thiên thạch ngoài bầu trời. Vì vậy, giáo sư Abaelies suy đoán, 65 triệu năm trước, có một mảnh thiên thạch lớn từng va vào Trái Đất, mà thời kì này đúng là thời kì tuyệt chủng của khủng long. Tự nhiên như vậy nên mọi người liên hệ sự va đập này với sự tuyệt chủng của khủng long lại với nhau. Các nhà khoa học căn cứ vào hàm lượng của irit và đã dự đoán ra vật va đập tương đương với hành tinh nhỏ có đường kính khoảng 10 km.

Thiên thạch lớn như vậy va đập vào Trái Đất chắc chắn là một sự va đập mạnh không gì sánh được, lấy cường độ của động đất để dự đoán là khoảng 10 độ rích te, mà đường kính của hố thiên thạch do sự va đập tạo ra sẽ vượt quá 100 km. Vì vậy, phải tìm được khối thiên thạch này mới có thể cung cấp được bằng chứng thuyết phục đối với giả thiết này.

Các nhà khoa học đã mất khoảng thời gian hơn 10 năm, cuối cùng vào năm 1991 đã có kết quả sơ bộ, hố thiên thạch này tìm được ở trong địa tầng của lục địa Châu Mĩ, dự đoán đường kính là khoảng 180 – 300 km. Tuy nhiên, lượng sai lệch này thực sự quá lớn, do vậy bắt đầu từ năm 1995, ở các nơi trên thế giới có khoảng 5 tổ công tác tự vạch kế hoạch dùng phương pháp sóng động đất để tiến hành suy đoán.

Nếu như lúc đó thực sự có sự va đập này, vậy thì, những đợt biến động lớn cũng sẽ theo đó xuất hiện. Vì vậy, trong số thiên thạch này, ngoài hàm lượng irit cao, còn phải kèm theo các hiện tượng phá hoại do biển động sinh ra. Do vậy, địa tầng của 65 triệu năm trước dường như là một mỏ vàng, nó có thể cung cấp bằng chứng mà chúng ta đang cần, đương nhiên, công việc khai quật chỉ có thể được triển khai dần dần.

Tuy nhiên, cũng có một số nhà khoa học đã tỏ ý hoài nghi, họ cho rằng sự tuyệt chủng của khủng long chẳng phải là do sự xuất hiện của vị khách ngoài bầu trời nào, mà là do sự ô nhiễm môi trường của bản thân Trái Đất gây ra. Bởi vì những nghiên cứu về lịch sử địa chất cho chúng ta thấy, 65 triệu năm trước, ở cao nguyên Deccan của ấn Độ đã xuất hiện hoạt động của núi lửa phun rất mạnh, hậu quả từ đó mang lại cũng sẽ gây nên sự phá hoại nhanh chóng đến môi trường sinh thái. Không ngờ, hoạt động núi lửa ở ấn Độ mà những nhà khoa học có nghi ngờ đưa ra lại trở thành một chứng cứ khác của sự va đập.

Giống như bạn ném hòn đá xuống nước thì có thể nhìn thấy sóng nước sẽ không ngừng lan ra vậy, khi thiên thạch va đập vào Trái Đất, sóng mặt đất sinh ra ở bề mặt Trái Đất nhanh chóng được truyền ra, cuối cùng mặt trái của sự va đập sinh ra bức hợp, mà khi chúng ta xoay quả địa cầu thì có thể thấy ấn Độ nằm ngay gần mặt sau của điểm va đập. Nói như vậy, giữa sự va đập và hoạt động núi lửa có quan hệ nhân quả, tất cả được thay đổi rất tự nhiên. Song, cần phải nói rõ là, chỗ núi lửa phun và điểm va đập ở hai phía Trái Đất có chút xê dịch, nhưng như vậy về mặt khác đã nói rõ phương hướng chuyển động của Trái Đất đã thay đổi đột ngột vào 65 triệu năm trước, cho nên giữa sự va đập thiên thể và sự chuyển động Trái Đất cũng đã có sự liên hệ mới. Vấn đề có thể nghiên cứu được thực sự đã rất có ý nghĩa.

Vậy là các nhà khoa học đã rút ra kết luận sơ bộ như sau: 65 triệu năm trước, một mảnh thiên thạch có đường kính khoảng 10 km đã va đập vào Trái Đất, từ đó sinh ra bụi che lấp Mặt Trời đến gần 10 năm, trong thời gian này, thực vật không thế tiến hành quang hợp, một năm bốn mùa đều là mùa đông. Như vậy, vận mệnh của đại đa số loài khủng long coi thực vật là thức ăn chính này cũng có thể tưởng tượng được.

Có một số nhà khoa học đã đưa ra biện pháp khác nữa, cho rằng trên thực tế khủng long ở thời đại đó đã bị suy yếu, sự va đập chẳng qua là đánh cho nó một đòn chí mạng khi nó đã suy tàn. Đương nhiên, cũng có người không đồng ý với kết luận về sự va đập của thiên thạch, vấn đề mà họ đưa ra rất có lí: nếu như sự va đập lớn làm cho hàng loạt khủng long chết, vậy thì, trong địa tầng irit có hàm lượng cao cần phải vùi rất nhiều xương cốt của khủng long, nhưng trên thực tế, cho đến ngày nay một ví dụ tiêu biểu này cũng không có, điều này có thể nói là rất kì lạ.

Bất kể như thế nào, điều quan trọng là thực tế hiện nay, các nhà khoa học đang tìm kiếm chứng cứ sát thực hơn nữa để có một bằng chứng khiến mọi người tin tưởng đối với sự tuyệt chủng của loài khủng long.