Tại sao người ta thả kiến vàng trên cây cam quýt?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 7 – Arkady Leokum

Kiến vàng giống như kiến thường, cũng là loại côn trùng sống theo đàn. Mỗi đàn có tới mấy chục ngàn con, trong đó kiến đực và kiến cái có cánh phụ trách việc truyền giống, kiến thợ không cánh là người lao động chủ yếu. Trong đám kiến thợ thì kiến thợ to phụ trách việc tìm đồ ăn, làm tổ, dọn vệ sinh và canh gác; kiến thợ nhỏ phụ trách việc nuôi dưỡng kiến con trong tổ.

Giữa các kiến vàng có mối quan hệ phức tạp. Bình thường, khi kiếm đồ ăn, kiến vàng thường nâng bụng cao lên, khi tìm thấy đồ ăn thì hạ bụng xuống và ở phần đuôi lập tức phóng ra một chất làm dấu. Gặp kiến thợ cùng tổ thì ngoài việc lấy râu xúc giác chạm vào nhau, chúng còn nôn ra đồ ăn kiếm được để nhận biết, đồng thời vặn mình chỉ phương hướng nơi có đồ ăn để “đồng bọn” đi lấy đồ ăn. Khi gặp kẻ địch, kiến vàng cũng biết phóng ra độc tố, đồng thời lấy râu phẩy bạn rồi lập tức quay mình ra phía sau, tập hợp cả đàn cùng chống lại kẻ địch. Kiến vàng có thể bắt ăn hơn 20 loài sâu hại cam quýt, thậm chí còn dựa vào lực lượng tập thể để khuất phục sâu thiên ngưu lớn hơn chúng nhiều. việc làm tổ của kiến vàng cũng rất thú vị. Một đàn kiến vàng có một hoặc vài tổ, tổ lớn có đường kính tới 70cm. Tổ thường kết hợp giữa các lá cây, chỗ có ánh nắng mặt trời của tán cây. sau khi chọn chỗ xong, kiến thợ lớn vươn mình trên lá cây, cổ co thu mình lại để kéo lá cây lại gần; nếu khoảng cách giữa các lá cây lớn, chúng sẽ lấy mình nối lại thành cái cầu kiến và các con kiến khác sẽ thi công trên chiếc cầu kiến này. sau khi kéo lá cây lại gần, một số kiến khác sẽ khâu lại, các lá sẽ dính lại với nhau, cuối cùng dệt thành một cái tổ kiến màng trắng dày. Phương pháp dệt tổ của kiến vàng thật là tuyệt vời.

Kiến vàng ăn rất khỏe cho nên hiệu quả tiêu diệt côn trùng rất lớn. Một cây cam quýt chỉ cần một tổ kiến vàng là khống chế được côn trùng xuất hiện. Có lúc chủ vườn còn dùng cành trúc con làm cầu giữa các cây, giúp cho kiến vàng mở rộng phạm vi tuần tra.