Tại sao sao chổi biến mất?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 10 – Arkady Leokum
Sao chổi cũng giống như hành tinh hay mặt trăng đều nằm trong thái dương hệ. Sao chổi đi theo một quĩ đạo quanh mặt trời theo một thời gian biểu đều đặn.
Nhưng hầu hết sao chổi đều theo một quĩ đạo bị kéo dài ra ở hai đầu, nghĩa là quĩ đạo sao chổi giống như hình một điếu xì gà mập và dài. Một sao chổi đi theo quĩ đạo như thế phải mất hàng ngàn năm mới xong một chuyến đi. Vì thế người ta tưởng rằng sao chổi đã biến mất.
Sao chổi cũng chịu ảnh hưởng rất mạnh từ sức hút của các hành tinh. Có một số sao chổi bị hút ra khỏi quĩ đạo thường lệ và bắt buộc phải vào những quĩ đạo ngắn hơn. Thí dụ như sao Mộc đã tập trung được một số sao chổi, vmột trong những sao chổi này phải mất sáu năm để đi hết một vòng quĩ đạo quanh mặt trời. Sao Chổi xuất hiện ở một khoảng thời gian khá đều đặn được gọi là những sao chổi định kỳ.
Nhưng có sao chổi nào biệt tích mãi mãi không? Cũng có đấy. Năm 1826 nhà thiên văn Wilhelm von Biela đã thấy được một trong những “sao chổi mất tích”. Sao chổi này đã trở lại nhiều lần và được một nhóm các nhà thiên văn quan sát mỗi lần trở lại như thế. Rồi năm 1846, nó tách ra làm thành một cặp sao chổi. Cuối cùng, cả hai phần của sao chổi Biela tan thành những mảnh vụn quá nhỏ không thể thấy được.
Người ta nghĩ rằng những mảnh vụn ấy đã hình thành một đám mây sao băng xuất hiện trên bầu trời vào cuối tháng 11 năm 1846. Lịch sử về sao chổi Biela chứng tỏ rằng, cuối cùng rồi sao chổi cũng chết, có nghĩa là chúng vỡ vụn ra và rải rắc dọc theo quĩ đạo của chúng và hình thành các đám tinh vân. Như thế, cuối cùng sao chổi cũng biến mất.