Tại sao sừng hươu bị rụng?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Khắp các miền trên thế giới đều có hươu sinh sống trừ các miền như châu Úc, đảo Madagascar, đảo Tân Tây Lan và Nam phi. Có khoảng 30 loài hươu khác nhau, nhưng đều có vài điểm giống nhau.

Hươu là loài ăn cỏ, địa y, vỏ cây, lá cây, cây thủy sinh. Hươu thường rất nhút nhát. Và vũ khí hộ thân của nó là cái tài… chạy! Hươu thường ăn đêm, bởi thế, mắt chúng rất tinh, tai thính và khướu giác cũng rất nhạy, do đó, chúng phát hiện nhanh, và dễ dàng những hung hiểm. Kích cỡ của các loài hươu rất khác nhau, từ nhỏ xíu như hươu “pudu” chỉ cao khoảng 30cm, cho đến cỡ bự như hươu “moose” nặng khoảng 450kg hoặc hơn. đặc điểm để phân biệt loài hươu với các loài khác là cái “gạc” hay là cái sừng của nó. Hầu như tất cả các loài hươu, con đực đều có sừng nhưng con cái của giống hươu “caribou” và “reindeer” cũng có gạc. Sừng của các gia súc thì rỗng, nhưng gạc hươu thì “đặc”. Nói đúng ra nó lỗ chỗ như tổ ong. Mỗi mùa xuân, hươu đực mọc một cặp gạc để rồi vào mùa đông, sau mùa giao phối, cặp gạc ấy lại rụng đi. Gạc của một vài loài hươu chỉ có một “chĩa” (cành) nhưng gạc của nhiều nòi khác thì có nhiều, có khi tới 11 “cành”. Số “cành” này tùy theo số tuổi. Do đó, cứ nhìn vào số “cành” trên gạc hươu, ta biết con hươu đó bao nhiêu tuổi.

Khi được một tuổi, trên trán hươu nổi lên hai khối u được gọi là “mống” gạc. Cuống này không bao giờ rụng. Mỗi mùa xuân, gạc hươu bị rụng bắt đầu từ khối u này và đến mùa hè cũng từ khối u này, một gạc mới mọc lên. Năm hai tuổi, từ khối u mọc lên một “chĩa” thẳng. Năm thứ ba, ngoài “chĩa” thẳng, có thêm một “cành”.

Khi đang phát triển, gạc được bao bằng một lớp “da” đặc biệt, ta gọi là “nhung”. Phần này có đầy mạch máu để nuôi và làm cho “xương” gạc tăng trưởng. Khi gạc đã đạt đến mức tối đa – trong khoảng từ hai đến bốn tháng – thì máu được cung cấp để nuôi “nhung” sẽ bị ngưng, từ đó hình thành một cái khoen bao quanh “cuống” gạc. Máu bị ngưng “nhung” bị teo và khô đi. Sau cùng gạc rụng. Thường thường, hươu cà cà gạc vào thân cây để gạc mau rụng.

Thỏ không đơn giản đâu!

Một trong những con thú dễ thương nhất có lẽ là con thỏ. Cứ nhìn thì thấy ngay là chúng hiền lành, nhút nhát, vô hại và vô phương tự vệ. Vì thế, chắc bạn sẽ tự hỏi: “Nếu vậy, thì bằng cách nào thỏ rừng có thể sống sót nổi trong một thế giới thù nghịch mà sức mạnh là chân lý?”. Và, có lẽ bạn sẽ chú ý đến cặp chân sau mạnh mẽ của nó. Mạnh mẽ không phải là để đá hậu – như con hươu cao cổ – hay để cào xé địch thủ mà chỉ là để chạy cho lẹ và cho bền. Và chắc bạn cũng biết thỏ mắn đẻ như thế nào rồi. đó là những lý do giúp thỏ sinh tồn.

Tiếng Anh có hai từ để chỉ thị hai giống thỏ: thỏ “hare” và thỏ “rabit”. Mỗi giống này còn chia ra làm vô số thứ thỏ khác nhau nữa. Tuy nhiên, “hare” hay “rabbit” đều thuộc loài gặm nhấm, nghĩa là, có răng cửa dài, cứng và bén. Hai chân sau dài, cứng, mạnh hơn hai chân trước. Bởi thế, khi thỏ chạy, ta thấy nó nhún nhảy, nhấp nhô. Khi bị săn đuổi thỏ thi thố nhiều “mánh” tài tình, khéo léo để đánh lạc hướng chó săn. Chúng cũng có cách báo động cho nhau bằng cách đập mạnh cặp chân sau xuống đất.

Thỏ “rabbit” và thỏ “hare” đều là loài ăn rau cỏ. Nhưng khi túng ngặt, chúng cũng có thể ăn phần bên trong của vỏ cây. Có sự khác biệt rất lớn giữa thỏ “rabbit” và thỏ “hare”.

Thỏ “hare” sinh ra đã mở mắt và có lông trong khi thỏ “rabbit” sinh ra gần như đui, hai mắt nhắm nghiền và không có lông. Tuy cùng họ nhà thỏ nhưng thỏ “hare” và thỏ “rab- bit” không thể giao phối với nhau được.

Miền Bắc Mỹ có rất nhiều nòi thỏ “hare”, trong đó nổi tiếng nhất là nòi thỏ “jack hare”. Khắp miền tây nước Mỹ trước kia, chỗ nào cũng có nòi thỏ này. Thỏ “jack hare” lớn con – có thể dài tới 60cm – và có đôi tai rất lớn. Nó di chuyển nhanh nhờ những cú nhảy “hết ý”: nhảy một cú 6,5m chả phải là điều khó khăn đối với “jack hare”. Nó “phá” dữ lắm nên nông dân miền tây nước Mỹ không ưa. Họ săn giết cả ngàn, cả ngàn con. Nòi thỏ “march hare” rất phổ biến ở châu Âu. Vào tháng ba, mùa giao phối của chúng, thỏ “march hare” tỏ ra rất chịu chơi, bất cần đời, ngang nhiên ra chỗ đất trống nhảy múa, nhào lộn nom rất vui mắt.

Thỏ “rabbit” có nguồn gốc từ vùng bờ biển địa Trung Hải. Nòi thỏ này sống thành đàn chung đụng với nhau trong hang. Sáu tháng tuổi là thỏ “rabbit” đã cho “sinh đẻ”. Và nó chỉ mang thai có một tháng là thỏ con đã chào đời. Mỗi lứa, chị thỏ “rabbit” cho ra đời từ 4 đến 8 “trự” thỏ con. Mỗi năm, chị thỏ có thể sinh bốn lứa như vậy. Bởi thế, nếu không có kẻ thù tự nhiên thì với sự mắn đẻ như vậy, thỏ “rabbit” đúng là một tai họa cho loài người, như tại Australia ngày nay chẳng hạn. Trước kia, cả Úc châu không có giống thỏ nào. Chỉ mới đây, người ta đưa vào có 3 cặp thỏ “rabbit”, thế mà nay thỏ “rabbit” trở thành một nạn “dịch” của châu Úc.