Tại sao tất cả các hành tinh đều có hình cầu?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 12 – Arkady Leokum

Hình dạng của một vật thể là kết quả của nhiều lực khác nhau tác động lên nó. Đối với các hành tinh, khối lượng khổng lồ của nó đã khiến cho trọng lực trở thành lực quan trọng nhất. Bằng việc kéo các vật chất lại với nhau với một lực mạnh như nhau ở các khoảng cách bằng nhau từ trung tâm của hành tinh, trọng lực tạo nên một sản phẩm cuối có hình cầu – hay càng giống hình cầu nếu nó càng khống chế được sự hiện diện của các lực khác, bao gồm cả các lực liên nguyên tử bên trong vật chất tạo thành hành tinh, thứ chống lại các lực hướng vào trong của trọng lực và các tác động của nhiệt hay bất kỳ sự xoay nào. Kết quả cuối cùng thường không phải là một hình cầu hoàn hảo.

Ví dụ, sự xoay hàng ngày của trái đất đã khiến đường xích đạo giãn ra, rộng hơn 44km so với bán kính ở các cực. Hơn nữa còn có các chỗ lồi và trũng bị để lại do sự bất lực của trọng lực trong việc vượt qua các lực liên nguyên tử trong các khối đá của trái đất. Các ví dụ rõ ràng nhất chính là các dãy núi và các vực sâu ở đại dương nhưng sự nhấp nhô ở quy mô lớn hơn cũng đã được tiết lộ nhờ các nghiên cứu từ vệ tinh, với quỹ đạo vệ tinh bị tác động do sự thay đổi của trường trọng lực.

Tháng 12 năm 1958, các nhà khoa học Mỹ đã thông báo về việc khám phá độ trũng 15m ở Nam cực, ngụ ý rằng trái đất là một quả lê rất mập. Từ đó, các tàu thăm dò đã đến thăm tất cả các hành tinh láng giềng của chúng ta ngoại trừ sao Diêm Vương và tiến hành các nghiên cứu chi tiết về hình dạng của chúng. Các nghiên cứu này đã khẳng định rằng sao Thổ là hành tinh ít tròn nhất, tốc độ xoay nhanh của nó khiến cho nó rộng hơn 11.000km tại đường xích đạo so với tại các cực.