Thiên hà là gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum

Trên bầu trời có lẽ không có cái gì là bí hiểm và đáng ngạc nhiên cho bằng “thiên hà” (hay còn gọi là dải ngân hà). Nó giống như một chuỗi hạt ngọc vắt ngang bầu trời. Thời xa xưa, nhìn ngắm hiện tượng này, con người đã hết sức kinh ngạc. Họ không hiểu thực chất của nó là gì nên họ thêu dệt cho nó đủ thứ chuyện, gán cho nó đủ thứ lạ lùng đẹp đẽ mà con người có thể hình dung ra được. Thời trước Công nguyên, người ta cho rằng dải ngân hà chính là con đường của các thiên thần. Bởi vậy, con người có thể lên trời bằng con đường ấy. Hoặc họ tưởng tượng đó là cái “kẽ hở” của trời để qua đó, đứng dưới đất, con người có thể chiêm ngưỡng được vinh quang thiên quốc.

Nếu hiểu đúng thực chất của hiện tượng thiên hà thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên. điều đáng ngạc nhiên là những ý tưởng của người ta gán cho nó.

Thiên hà “của chúng ta” có dạng cái dĩa, nghĩa là hơi tròn và dẹp, hơi phình lên ở trung tâm. Nếu có thể trèo lên ở trên cao phía trên thiên hà để từ đó nhìn xuống thì sẽ thấy dạng hình tròn của nó. Nhưng vì đang ở trong thiên hà, ta có nhìn lên thì cũng chỉ là nhìn từ phía trong ra ngoài rìa của thiên hà. Vì vậy ta mới thấy thiên hà có hình cong vây lấy ta. Cái dải sáng lờ mờ trên nền trời ban đêm mà ta gọi là thiên hà cũng chính là hàng triệu triệu các vì sao.

Bạn nên biết rằng trong thiên hà ấy có ít nhất cũng khoảng ba tỷ ngôi sao. để hình dung ra bề rộng của thiên hà, ta phải dùng đơn vị đo là năm ánh sáng. Chẳng hạn, một tia sáng từ lúc phát ra từ trung tâm thiên hà cho đến lúc lọt vào mắt ta phải mất xấp xỉ 50 ngàn năm. Tốc độ ánh sáng là bao nhiêu km/s thì bạn biết rồi đó. Bạn thử làm tính xem từ trung tâm thiên hà đến trái đất là bao xa rồi từ đó tính ra đường kính của thiên hà là bao nhiêu km. Thiên hà xoay quanh tâm của nó như một cái bánh xe. Môt vòng xoay của nó chỉ mất độ chừng 200 triệu năm!