Thực vật sống cũng có thể làm nhà được sao?

Dùng gỗ, tre sau khi đã gia công để làm nhà, là phương pháp kiến trúc truyền thống từ cổ xưa. Tuy nhiên, các cây cỏ sống phải chăng cũng có thể trở thành vật liệu xây dựng các toà nhà lớn.

Thời kỳ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ở Chicagô, Mỹ đã xây dựng một toà nhà hành chính tráng lệ. Bên trong toà nhà không có tường gạch, cũng không có vách ngăn, mà người ta trồng cây ngay trên vị trí đáng lẽ dùng để xây tường, bằng cách đó để ngăn cách các gian phòng. Người ta gọi nó một cách hình tượng là “bức tường xanh”. Toà nhà vừa hoàn thành đã được mọi người tán thưởng, gọi kiểu kiến trúc khác thường đó là “kiến trúc thực vật”. “Kiến trúc thực vật” còn gọi là “Kiến trúc xanh” đã có một lịch sử lâu dài ở vùng Scanđinavơ lạnh giá thời cổ đại. Người ta cho cỏ mọc trên cành cây rồi bện thành mái nhà, kết quả đã hình thành một mái nhà khá dày do cây cỏ mọc lên một cách tự nhiên, dùng để duy trì nhiệt độ trong nhà. Cư dân ở bang New Mêhicô của Mỹ đã đào từng mảng đất bùn có cỏ mọc ở lòng sông khô cạn, mang về xây tường và đắp mái nhà, đợi sau khi cỏ ở trong bùn mọc rậm lên, rễ và thân cỏ kết liền với nhau, như vậy vừa tăng độ bền của kiến trúc. Hơn nữa còn có thể cách nhiệt, chống rét, làm đẹp môi trường, mọi người gọi một cách thích thú đó là “nhà ở đồng cỏ”.

Tuy nhiên, các “kiến trúc thực vật” hiện đại không còn là kết cấu bùn, cỏ đơn giản nữa, mà là dùng cây cối đang sinh trưởng để làm nhà, vật liệu gỗ xây dựng được thay thế bằng những cây sống đã được uốn nắn, tạo thành dầm, cột và thân tường. Phương pháp thi công các “kiến trúc thực vật” cũng không phức tạp, không cần các thiết bị thi công cơ giới to lớn. Phương pháp hiện đại này có hai loại: Một là “phương pháp uốn gấp”, tức là theo chiều cong tự nhiên của cây, cắt một lỗ vát, rồi cho nó gập khớp lại một cách tự nhiên, hai là “phương pháp nối tiếp” tức là ghép hai cành cây bị gãy lại với nhau, dùng phương pháp nhân tạo cho “cây liền cành”. Dùng hai phương pháp cơ bản đó, các kiến trúc sư thông minh có thể tạo nên những hành lang kiểu vòm, những cầu cong, những bình phong, những tường vây cỏ, tạo hình khéo léo, mới lạ, thậm chí còn dùng những thực vật sống đó xây cả nhà hàng, nhà ở và văn phòng làm việc hoàn chỉnh. Sau khi kết thúc “thi công kiến trúc”, các “phòng ốc thực vật đang sinh trưởng” đó sẽ hiện ra một phong cảnh đẹp, lá cây xanh tốt, trăm hoa diễm lệ, trái quả quanh năm. Con người ở những ngôi nhà đó, cảm thấy như tắm mình trong cảnh thiên nhiên tươi đẹp khiến cho tâm hồn vui tươi thanh thản.

Kết cấu “kiến trúc thực vật” đơn giản, thi công dễ dàng, có thể lấy vật liệu ngay tại chỗ, giá cả xây dựng rẻ, hơn nữa có thể kết hợp rất tốt việc xây dựng nhà cửa với việc làm xanh môi trường; ngoài ra còn có thể ngăn tiếng ồn và tránh ô nhiễm không khí một cách có hiệu quả. Ở những công viên, vùng rừng núi, ngoại thành các đô thị, loại kiến trúc mới mẻ khác thường đó đều có tiềm năng phát triển rộng rãi, nhất là ở các thành phố hiện đại, nhà lầu san sát, dân số chen chúc, không khí vẩn đục, thì việc xây dựng kiểu “kiến trúc thực vật” đó lại càng có một phong cách độc đáo.

Từ khóa: Kiến trúc thực vật.