Vì sao cá ngựa con được sinh ra từ bố?
Dưới đáy đại dương ấm áp, đặc biệt là ở vùng biển nông, luôn luôn sáng sủa rực rỡ. ở đó có nhiều loại thực vật dưới đáy biển, nhiều loại động vật bơi lội tung tăng với đủ loại màu sắc, hình dạng v.v.. Đó là những dải san hô trắng, hồng giống như những cây hoa được trồng trong vườn v.v.. Trong đáy đại dương đó có muôn màu sắc, người ta gọi là “thuỷ tinh cung”, quả là rất xác đáng.
Sinh sống trong “thuỷ tinh cung” đó có loài động vật rất kì lạ gọi là cá ngựa. Loại cá có thân hình kì dị, dài chỉ có 10 – 20 cm, đầu giống như đầu ngựa nên gọi là cá ngựa. Đuôi của cá ngựa rất dài do nhiều đốt ghép lại và có thể linh hoạt co duỗi, bơi lội. Lưng của nó giống như những phiến gấm, nó luôn cử động để giữ thăng bằng và bơi thẳng đứng, động tác rất đẹp mắt.
Cá ngựa không chỉ có vẻ bề ngoài đặc biệt mà tập tính sinh sản của nó cũng rất lạ. Đến mùa sinh sản, tấm ngăn bụng phía bên của cá ngựa đực sẽ hướng về sợi dây trung ương của cơ thể tạo thành nếp nhăn rồi dần dần hợp thành “túi sinh sản” rất to và rộng. Cá ngựa cái sẽ đẻ trứng vào trong túi sinh sản của cá ngựa đực (cá ngựa cái không có túi sinh sản). Số trứng có thể lên tới trăm trứng và chúng sẽ phát triển thành con ở trong túi sinh sản. Trong thời gian này, trong lòng túi sinh sản tiết ra một lớp màng huyết quản đậm đặc và nó gắn bó chặt chẽ với lớp màng của trứng, để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trứng trong thời gian phát triển. Đợi đến khi cá ngựa con phát triển hoàn chỉnh, cá ngựa đực mới bắt đầu “tách ra”.
Tại sao phương pháp sinh sản của cá ngựa lại đặc biệt như vậy nhỉ?
Bởi vì dưới đáy biển vô cùng phức tạp và nguy hiểm, nhất là vào mùa xuân và mùa hạ. Vào mùa này, các động vật, sinh vật biển đều từ đáy biển sâu hoặc từ những vùng biển xa trở về vùng biển nông để tiến hành giao phối, sinh sản. Vùng biển nông vốn tĩnh lặng nay trở nên nhộn nhịp, đồng thời sẽ xảy ra cuộc đấu tranh giữa kẻ mạnh và kẻ yếu. Ngay cả những con vật trưởng thành cũng bị thương vong hàng loạt thì những động vật nhỏ bé cũng không thể thoát được, nhất là với những con vừa mới sinh ra sẽ trở thành món ăn ngon cho các loài động vật tranh chấp. Ví dụ như cá thu mỗi lần đẻ khoảng vài chục nghìn trứng nhưng số trứng nở ra thành cá con không tới 1%. Do vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ nòi giống của động vật ngày càng quyết liệt.
Cá ngựa là “chủ cũ” của vùng biển nông, việc bảo vệ nòi giống đương nhiên có kinh nghiệm và “kĩ thuật” hơn những loài khác. Không chỉ cá ngựa cái khéo léo đẻ trứng vào sinh sản của cá ngựa đực mà trong quá trình phát triển của trứng từ lúc đẻ đến lúc phát triển thành cá ngựa con đều diễn ra ở bên trong, như vậy nó bảo toàn được tính mạng cho cá ngựa con.