Vì sao eo biển Đài Loan mùa đông và mùa xuân thường nổi gió đông bắc mạnh?

Eo biển Đài Loan là khu vực sóng to, gió lớn nổi tiếng. Ở đó hằng năm trên 130 ngày có gió đông bắc mạnh, hơn nữa chủ yếu tập trung vào mùa đông và mùa xuân. Gió đông bắc mạnh có thể kéo dài thông mấy ngày đêm, thậm chí 10 ngày, nửa tháng cũng chưa dừng. Vì sao eo biển Đài Loan mùa đông và mùa xuân gió đông bắc mạnh kéo dài đến thế? Chỉ cần bạn mở bản đồ ra xem địa hình hai bờ eo biển Đài Loan thì sẽ rõ.

Eo biển Đài Loan mở về hai hướng đông bắc và tây nam. Mép đông nam là đảo Đài Loan lớn nhất Trung Quốc. Dọc theo đảo là mạch núi Đài Loan có đỉnh cao 3997 m, sườn tây bắc là mạch núi Phúc Kiến có chiều cao từ mấy trăm đến trên 1000 m. Kẹp giữa hai dãy núi, eo biển Đài Loan trở thành một đường ống hẹp, do đó dòng chảy dưới thấp của không khí bị đường ống này hạn chế, nên sản sinh “hiệu ứng ống thắt”: không phải đối với gió đông bắc thì là đối với gió tây nam, hơn nữa tốc độ gió rất lớn. Nói một cách dễ hiểu thì đó là hiệu ứng “gió đổ nhà”. Mùa hè mọi người thích hóng mát ngọn gió này, đó là vì không khí chuyển động nhanh hơn ở trong nhà.

Mùa đông và mùa xuân không khí lạnh ở phương Bắc từng đợt thổi xuống phương Nam, cho dù luồng gió bắt nguồn từ vùng tây bắc hay từ Hoa Bắc thổi tới, khi đi vào eo biển Đài Loan thì nó sẽ phải chuyển thành gió đông bắc theo sự hạn chế của eo biển. Sức gió nói chung mạnh hơn từ một đến hai cấp so với luồng gió nằm bên ngoài eo biển. Khi lực của luồng khí lạnh giảm yếu thì những đợt gió lớn gần mặt biển cũng đã giảm nhỏ, nhưng gió trên eo biển Đài Loan vẫn còn rất lớn. Đợi đến khi gió mạnh trên eo biển sắp yếu đi thì một luồng không khí lạnh mới từ phương Bắc lại thổi xuống phía nam, do đó trong eo biển liên tiếp có gió mạnh, gây sóng to.

Mùa đông và mùa xuân những luồng gió lạnh từ phương Bắc cứ cách 3 – 5 ngày lại thổi xuống một đợt. Như vậy gió lớn đông bắc ở eo biển Đài Loan sẽ kéo dài từ ngày này qua ngày khác không ngừng.

T ừ khoá: Eo biển Đài Loan; Hiệu ứng ống thắt.