Vì sao khi đi trên dây thép phải đung đưa hai cánh tay?
Đi trên dây thép là một trong những tiết mục xiếc có từ rất lâu đời. Người đã xem qua tiết mục này đều tấm tắc khen tài nghệ điêu luyện của diễn viên.
Diễn viên xiếc bước trên dây thép mảnh, có thể nói là chẳng có “đất đặt chân”, nhưng họ lại có thể linh hoạt nhẹ nhàng biểu diễn các loại động tác nguy hiểm và đẹp mắt trên đó như trên đất bằng. Vậy vì sao diễn viên xiếc đi trên dây lại không bị rơi xuống?
Chúng ta biết rằng, bất kể là vật thể nào, nếu muốn giữ được thăng bằng thì đường tác động trọng lực (đường thẳng đứng đi qua trọng tâm) của vật thể phải đi qua mặt đỡ (mặt tiếp xúc của vật thể với vật đỡ nó). Nếu đường tác động trọng lực không đi qua mặt đỡ, vật thể sẽ bị lộn nhào xuống.
Dựa vào điều kiện thăng bằng vật thể, vốn đòi hỏi diễn viên biểu diễn đi trên dây luôn luôn giữ cho đường tác động trọng lực của thân thể mình đi qua mặt đỡ – dây thép. Do dây thép rất mảnh, mặt đỡ đối với người cực nhỏ, người bình thường rất khó giữ cho đường tác động trọng lực của thân thể vừa khéo rơi đúng trên dây thép, lúc nào cũng có nguy cơ đổ nhào xuống. Khi diễn viên xiếc đi trên dây, họ dang rộng hai cánh tay, đung đưa sang phải sang trái, là để điều tiết trọng tâm của thân thể, điều chỉnh đường tác động trọng lực của thân thể lên dây thép, làm cho thân thể khôi phục lại thăng bằng. Thường ngày, chúng ta vẫn thường thấy: Khi thân mình loạng choạng suýt ngã, chúng ta cũng sẽ lập tức đung đưa hai cánh tay để giữ cho nó ổn định trở lại. Lúc ấy, chúng ta cũng nhờ vào sự đung đưa hai cánh tay để điều chỉnh trọng tâm của thân thể.
Có diễn viên xiếc khi đi trên dây, trong tay còn cầm một sào tre khá dài, hoặc những thứ khác như cái ô vải hoa, ba toong, quạt màu v.v. Bạn chớ cho rằng những thứ đó là gánh nặng thừa thãi của người biểu diễn. Hoàn toàn ngược lại. Đó đều là những công cụ phụ trợ giúp cho thân thể diễn viên được thăng bằng. Chúng có tác dụng làm cho cánh tay của diễn viên như thêm dài ra.
Từ khoá: Mặt đỡ; Trọng tâm; Thăng bằng.