Vì sao khi mỡ bốc cháy không được dùng nước để dập tắt?

Gỗ bị bắt lửa, có thể dùng nước tạt lên để dập lửa đi. Đó là kiến thức thông thường mà ai cũng biết.

Nhưng, chảo mỡ bắt lửa hoặc thùng xăng, bình dầu bắt lửa thì nhất thiết không được dội nước lên, vì lúc ấy nước chẳng những không dập được lửa, mà ngược lại còn làm cho ngọn lửa trở nên lớn hơn.

Vì sao nước có thể dập tắt lửa trên gỗ, lại không thể dập tắt lửa trong chảo mỡ nhỉ?

Đó là vì sự cháy cần đến oxi và nhiệt độ nhất định. Khi gỗ bị cháy, dội nước vào gỗ đang cháy vừa có thể cách li triệt để sự tiếp xúc của gỗ với không khí, lại có thể làm cho nhiệt độ của gỗ hạ xuống. Thế là lửa bị dập tắt ngay. Khi chảo mỡ bắt lửa, do mật độ (khối lượng riêng) của mỡ nhỏ hơn nước, nếu tạt nước vào chảo mỡ, nước lập tức chìm xuống dưới lớp mỡ, đẩy lớp mỡ nổi lên trên, vừa không sao cách li với không khí, lại không có tác dụng giảm thấp nhiệt độ, cho nên nước không dập tắt được lửa trong chảo mỡ. Làm không khéo thì mỡ còn có thể trào ra ngoài chảo, lan ra bên ngoài, làm tăng diện tích tiếp xúc của mỡ với không khí, sẽ càng cháy lớn.

Vậy khi chảo mỡ bắt lửa, phải dùng biện pháp gì để dập tắt? Phương pháp trực tiếp nhất là đậy ngay vung lên chảo, làm cho mỡ và không khí cách li triệt để, lửa cũng sẽ tắt ngay.

Nếu thùng xăng bắt lửa, đội viên cứu hoả thường sử dụng bình cứu hoả (đựng bọt dập lửa) để dập lửa. Đó là vì bình này phun ra một lượng lớn chất khí cacbon đioxit. Cacbon đioxit vừa không tự cháy, cũng không trợ cháy, vả lại nặng hơn không khí, sẽ bao bọc thùng xăng rất nhanh, làm cho xăng và không khí cách li triệt để, qua đó mà kịp thời dập tắt lửa.

Từ khoá: Sự cháy; Bình cứu hoả; Cacbon đioxit.