Vì sao không được vứt bừa bãi hoặc đốt các pin cũ?
Có một mùa đông ở ngoại ô một thị trấn Nhật Bản người ta phát hiện thấy 16 – 17 người đồng thời bị viêm não. Khi bệnh nhân ăn cơm, hai tay run lẩy bẩy, tay cầm đũa không vững, hai chân bước cứng đơ, lúc cười, lúc khóc. Bác sĩ chẩn đoán bệnh này do một loài vi khuẩn nào đó gây nên, nhưng cuối cùng không phát hiện thấy loài vi khuẩn hoặc virut nào phù hợp với bệnh tình. Về sau, có hai bệnh nhân bị chết, một người khác nhảy xuống sông tự tử. Qua mổ tử thi chứng tỏ không phải viêm não do vi khuẩn mà là do ngộ độc một nguyên tố kim loại nặng gây nên.
Các bác sĩ tiếp tục điều tra phát hiện những người bị bệnh viêm não đều sống rải rác trong một khuôn viên 40 – 50 m, trung tâm khu đó là một cửa hàng bán xe đạp. Cạnh cửa hàng có ba giếng nước ăn. Có thể bệnh có liên quan với nước giếng?
Về sau qua nghiên cứu phát hiện cửa hàng này đồng thời còn bán pin. Họ liên tưởng có thể pin đã gây ô nhiễm cho nước giếng. Ở chỗ cách giếng ăn khoảng 4 – 5 m, người ta đào thấy một hố chứa hơn 300 đôi pin. Qua xét nghiệm phân tích nước giếng, người ta phát hiện thấy hàm lượng mangan và kẽm ở trong nước đều vượt quá tiêu chuẩn nước uống bình thường mười mấy lần. Các bệnh nhân thường ngày đều ăn uống bằng nước giếng này. Triệu chứng lâm sàng của họ và qua giải phẫu thi thể đều giống với triệu chứng ngộ độc mangan. Sau khi cấm dùng nước giếng này thì bệnh tình của những người còn lại đều chuyển biến tốt dần. Cuối cùng các chuyên gia rút ra kết luận: hung thủ gây ra bệnh viêm não chính là mangan ở trong pin ngấm vào nước giếng.
Tháng 10/1985, các công trình nghiên cứu khoa học môi trường ở Tokyo, Nhật Bản đã tiến hành điều tra hàm lượng thủy ngân trong nước bề mặt của Tokyo, phát hiện thấy hàm lượng thủy ngân cao hơn so với bình thường từ 6 7 lần. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng đó là vì ở bãi xử lí đốt rác thải có lẫn các pin phế thải gây nên. Họ lại làm một cuộc thí nghiệm như sau: trên ống khói của thiết bị đốt rác thải, người ta liên tục đo nồng độ thủy ngân trong khí thải sau khi đã qua xử lí. Thí nghiệm chứng tỏ trong điều kiện bình thường, nồng độ thủy ngân trong khí thải chỉ ở mức 0,05 – 0,1 mg/m3, nhưng chỉ cần bỏ một pin thủy ngân dạng cái cúc vào trong rác thải để đốt thì nồng độ thủy ngân lập tức tăng lên 1,5 mg/m3, tức là tăng cao 15 – 30 lần. Nếu bỏ vào một pin tính kiềm thì nồng độ thủy ngân trong khói chỉ tăng cao 4 – 8 lần. Thủy ngân ở trong khói có thể hòa lẫn với bụi hoặc nước mưa, lắng lại trên mặt đất. Đó chính là nguyên nhân thủy ngân trên bề mặt đất ở Tokyo khác thường.