Vì sao không nên coi thường ô nhiễm chì?

Một nhà khoa học môi trường Canađa khi nghiên cứu lịch sử các Hoàng đế cổ La Mã đã đưa ra nhận xét: Hoàng đế La Mã và rất nhiều nhà quí tộc thời đó đã chết vì ngộ độc chì mãn tính. Nguyên nhân là rất nhiều thực phẩm của họ đã bị ô nhiễm chì và những thức uống như rượu nho đều được đựng trong những bình bằng chì. Vì vậy sự tử vong của các đế quốc La Mã hùng mạnh có liên quan rất nhiều đến ô nhiễm chì. ý kiến này đã được các nhà sử học thừa nhận, song hàng nghìn năm nay ô nhiễm chì vẫn chưa gây được sự cảnh giác đối với nhân loại. Mãi đến những năm 60 của thế kỉ XX, khi

Tokyo, Nhật Bản phát sinh sự kiện dân cư ngộ độc chì mãn tính do khí thải ô tô gây nên thì ô nhiễm chì mới được các nước trên thế giới phổ biến coi trọng.

Vi lượng nguyên tố chì đối với cơ thể người có thể nói không đáng kể. Trong công nghiệp, chì được dùng rất rộng rãi. Chì mà ta thường nói đến có thể chia thành kim loại chì và các hợp chất của chì. Thành phần chì trong môi trường chủ yếu là ở dạng hợp chất. Ví dụ chì trắng (muối cacbonat chì ở dạng kiềm) dùng để làm chất tạo màu khi sơn lên các đồ gỗ và dùng làm chất ổn định trong đồ nhựa; chì đỏ (tetroxit chì) dùng làm sơn; tetraethyl chì dùng làm chất chống nổ của xăng. Trong nông nghiệp asenat chì dùng làm thuốc sát trùng.

Ô nhiễm chì ở thành thị chủ yếu là do khí phế thải ô tô gây ra. Ô tô phần lớn sử dụng loại xăng chứa tetraethyl chì. Khi xăng cháy, một phần tetraethyl chì bị phân giải thành các hợp chất của muối chì vô cơ và hợp chất oxit Chúng và phần tetraethyl chì còn lại ở dạng hạt sương mù li ti lẫn trong khí thải của ô tô gây nên ô nhiễm không khí. Ngoài ra, trong nước thiên nhiên, đất và thực phẩm cũng có chì. Thực phẩm ô nhiễm chì thường là do những bình đựng có thành phần chì cao gây nên.

Chì trong môi trường chủ yếu thông qua đường hô hấp và tiêu hóa để đi vào cơ thể. Tuổi càng cao thì lượng chì tích tụ trong cơ thể càng tăng lên. Một người nặng 70 kg trong cơ thể chứa khoảng 200 mg chì, 90% ở trong xương, các cơ quan phủ tạng khác cũng chứa một vi lượng chì. Chì thâm nhập vào máu sẽ hình thành diphophat chì dễ hòa tan đưa đến gan, thận, tì, phổi và não. Chì ở trong máu có thể làm nhiễu loạn chức năng vận chuyển oxi của máu, gây tổn hại cho thai nhi trong thời kì phát triển. Chì xâm nhập vào tế bào não sẽ ở lại đó lâu dài, gắn chặt với những bộ phận quan trọng của tế bào não, làm nhiễu loạn sự truyền dẫn các tín hiệu của tế bào não. Trẻ em trong giai đoạn đại não đang phát triển thì ô nhiễm chì sẽ càng nguy hại hơn. Ngộ độc chì có thể khiến cho trí thông minh của trẻ em giảm đi rất nhiều, khiến cho đại não tê dại, tinh thần uể oải. Ô nhiễm chì nghiêm trọng còn dẫn đến trẻ em tử vong.

Ngày nay, hàm lượng chì trong không khí đã tăng lên hàng vạn lần so với thời kì nguyên thủy. Lượng chì chúng ta hấp thu vào cơ thể đã tăng lên hàng nghìn lần so với lượng chì người nguyên thủy hấp thu phải, do đó đã gần đến giới hạn nồng độ cơ thể cho phép. Vì vậy chúng ta quyết không thể xem thường ô nhiễm chì.

Từ khoá: Chì; Ô nhiễm chì.