Vì sao kính lúp có thể phóng to ảnh vật?

Kính lúp là một loại khí cụ quang học đơn giản, dùng nó để đọc sách thì nét chữ nhỏ được phóng to lên, nhìn rất rõ nét. Kính lúp được chế ra bằng cách mài chất có độ trong suốt rất tốt (như thuỷ tinh). Nó dày ở giữa, mỏng ở mép viền, là một miếng thấu kính lồi. Hai mặt của nó có thể đều là mặt cầu, hoặc một mặt là mặt cầu, mặt kia phẳng.

Đặt một kính lúp hướng về phía ánh Mặt Trời (thấu kính thẳng góc với tia sáng), tia sáng đi qua kính lúp sẽ tụ thành một điểm. Điểm đó tức là tiêu điểm. Nếu đặt đầu một que diêm đúng vào chỗ tiêu điểm, chẳng mấy chốc que diêm bùng cháy lên. Khoảng cách giữa tâm thấu kính đến tiêu điểm gọi là tiêu cự.

Nếu đặt một vật thể vào trong tiêu cự của kính lúp, do thấu kính lồi có tính năng tụ quang, người quan sát liền có thể thấy được một ảnh ảo được phóng to ở một nơi lớn hơn cự li của vật. Như vậy, bộ phận nhỏ xíu vốn nhìn không rõ, thông qua tác dụng phóng to của kính lúp, liền có thể thấy rõ ràng hơn.

Độ phóng đại của kính lúp nói đến trong quang học là xét từ góc độ của “góc nhìn”. Nếu dùng rađian để biểu thị góc nhìn, độ lớn của nó bằng tỉ lệ giữa độ dài của vặt thể với khoảng cách từ mắt đến vật. Khi góc nhìn nhỏ hơn 1′ (tương đương với góc nhìn của một vật dài 1 cm ở cách mắt ngoài 34 m). Trong trường hợp ánh sáng của môi trường xung quanh không tốt, góc nhìn đó phải được tăng lên, thậm chí đạt tới 1° mới được.

Tác dụng của kính lúp là thông qua việc làm tăng góc nhìn mà đạt được mục đích phóng to ảnh vật. Theo tính toán, độ phóng đại của kính lúp bằng khoảng cách thấy rõ chia cho khoảng cách giữa vật thể và mắt.

Dùng kính lúp xem vật, phải đặt vật thể bên trong tiêu cự. Tiêu cự của kính lúp trong khoảng 1,0 – 10 cm, khoảng cách thấy rõ là 25 cm, cho nên độ phóng đại của kính lúp ở giữa 2,5 – 25 lần.

Kính lão mà người già dùng cũng là một loại thấu kính lồi. Ai cũng biết rằng, ánh sáng của vật thể phát ra chỉ có thông qua tác dụng khúc xạ của thuỷ tinh thể trong nhã n cầu, hội tụ đến võng mạc nhìn trên vách sau của nhã n cầu thì mới được thấy rõ. Khi nhìn vật thể rất xa, mắt có thể ở vào trạng thái buông lỏng, trên võng mạc nhìn thành ảnh rõ rệt. Nhưng nhìn vào vật thể ở gần thì phải điều tiết mắt để làm tăng chiết suất của thuỷ tinh thể. Vì năng lực điều tiết của người già đã suy thoái, đến nỗi chỉ có thể để tia sáng hội tụ ở đằng sau của võng mạc mắt. Đặt một thấu kính lồi trước con mắt, để tia sáng hội tụ thêm một lần thì có thể làm cho ảnh rơi vào võng mạc, mắt người già nhờ đó mới không mờ tối.

Từ khoá: Thấu kính lồi; Kính lúp; Kính lão; Độ phóng đại; Góc nhìn;